Hàng ngàn hecta cho thuê nuôi ngao: Ngân sách chưa thu được một đồng
Hàng loạt những bất ổn xảy ra trên vùng bãi triều, cửa biển Hải Phòng liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp tại các bãi triều nuôi ngao và khu vực mặt nước cửa sông, ven biển Hải Phòng.
Với khoảng 4.000ha bãi bồi ven biển được người dân nuôi ngao nhiều năm qua, nhưng thật lạ lùng là ngân sách nhà nước không thu được một đồng nào từ việc cho thuê mặt nước. Hàng chục tỉ đồng ngân sách đến từ việc cho thuê bãi triều đã bị thất thu suốt nhiều năm.
Ngăn chặn bảo kê - bắt cóc bỏ đĩa
Quá trình tìm hiểu, viết loạt bài “Cắm cọc bảo kê, bắt ngư dân nộp tô” và “Các bãi nuôi ngao tại Hải Phòng” cho thấy: Những ngư dân đánh bắt truyền thống vốn trước đây được tự do khai thác thì nay các ngư trường ven bờ đều “có chủ”. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các quận, huyện như Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy đã liên tiếp xảy ra hàng chục vụ mâu thuẫn từ cố tình đâm va tàu tới bắt giữ người trái phép, rồi sử dụng vũ khí nóng, đánh người gây thương tích…
Sau loạt bài viết của Lao Động, các quận, huyện Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy vào cuộc phối hợp với biên phòng yêu cầu các cá nhân nhổ bỏ các hàng cọc “lãnh địa”; Công an Hải Phòng đã lập 2 chuyên án, bắt 4 đối tượng chuyên sử dụng vũ khí bảo kê. Tuy vậy những hành động quyết liệt này vẫn “bắt cóc bỏ đĩa” vì ngăn chỗ này, bảo kê lại xuất hiện ở nơi khác.
Nguồn thu ngân sách lớn bị bỏ qua
Theo thống kê sơ bộ của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng thì tại Hải Phòng hiện có khoảng 4.000ha bãi triều thuộc 6 quận, huyện ven biển là Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng và Hải An. Chỉ trong một thời gian ngắn từ một vài hộ nuôi ngao tự phát, tới nay trên địa bàn các quận, huyện này đã có hàng trăm hộ cắm vây, bãi nuôi ngao với tốc độ nhanh tới khó kiểm soát. Ví dụ huyện Kiến Thụy năm 2011 chỉ có một vài hộ nuôi ngao tự phát với diện tích vài chục hecta thì tới nay đã có tới 37 hộ cắm vây bãi với diện tích lên đến hơn 500ha. Tương tự, quận Đồ Sơn có 13 hộ nuôi ngao trên diện tích 140ha.
Hiện tại hầu hết các bãi triều trên địa bàn Hải Phòng đều “có chủ” cắm cọc, nuôi ngao và nhiều loại thủy-hải sản. Một diện tích mặt nước khổng lồ lên đến hơn 4.000ha được khai thác suốt nhiều năm qua được thực hiện theo hình thức hợp đồng “chui” với chính quyền các địa phương. Theo quy định của pháp luật, việc cho cá nhân thuê mặt nước thuộc thẩm quyền cấp quận, huyện, còn cho tổ chức thuê phải thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tất cả diện tích nuôi ngao tính tới thời điểm này đều được chính quyền các xã, phường ký hợp đồng.
Ông Hoàng Xuân Minh - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn - thừa nhận: Việc chính quyền cấp xã, phường ký hợp đồng cho thuê mặt nước là trái thẩm quyền và ngân sách nhà nước trong mấy năm qua không được nhận một đồng nào từ việc cho thuê mặt nước.
Tương tự, ông Phạm Văn Thép - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy - khẳng định: Nếu thực hiện việc cho thuê mặt nước, tính trung bình mỗi năm huyện sẽ thu được khoảng 2,5 tỉ đồng từ việc cho thuê diện tích này.
Chỉ cần làm một phép tính sơ bộ, nếu 1ha mặt nước được cho thuê với giá “rẻ” là 5 triệu đồng/ha, vậy hơn 4.000ha mặt nước, ngân sách TP.Hải Phòng sẽ thu được gần 20 tỉ đồng/năm. Vậy mà suốt nhiều năm qua, Hải Phòng bỏ qua nguồn thu ngân sách này.
Quận, huyện sốt ruột, thành phố dửng dưng
Các quận, huyện có bãi triều ven biển đều rất sốt sắng đề xuất các phương án quản lý bãi triều ven biển nhằm ổn định an ninh trật tự và địa phương cũng có nguồn thu từ cho thuê mặt nước. Tuy vậy, suốt mấy năm qua việc quy hoạch vẫn giậm chân tại chỗ vì vướng cơ chế. Ông Hoàng Đình Dũng - Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn - thẳng thắn: “Chúng tôi đã đề xuất với thành phố rất nhiều lần về công tác quản lý khu vực mặt nước nhưng địa phương vẫn phải chờ vì thực tế chính quyền quận chẳng biết mình được quản lý đến đâu?”.
Tới thời điểm hiện tại có một thực tế là các quận, huyện, xã, phường có địa giới hành chính giáp ranh nhau ở khu vực mặt nước như sông, lạch, cửa biển đều chưa phân địa giới hành chính rõ ràng mà chỉ ước lượng mình quản lý vùng mặt nước. UBND TP.Hải Phòng đã có văn bản giao cho Sở Nội vụ tiến hành rà soát, tham mưu với TP việc phân giới cắm mốc địa giới hành chính trên khu vực mặt nước, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Các sở Tài nguyên Môi trường, NNPTNT được giao nhiệm vụ quy hoạch khu vực khai thác mặt nước nhưng cũng chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi.
Trong bối cảnh nhiều địa phương tại Hải Phòng luôn than vãn khó khăn về ngân sách, thì TP.Hải Phòng lại đang dửng dưng trước nguồn thu lớn này.