Hiện trạng và tiềm năng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam
6 tháng đầu năm 2013, XK tôm Việt Nam đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012. XK sang các thị trường trọng điểm tăng khả quan như sang Nhật Bản tăng 6,6%, sang Mỹ tăng 22,4% và sang Trung Quốc tăng 33,7%. Nguồn cung tôm năm 2013 giảm so với 2012 do dịch bệnh tại Thái Lan và nhiều nước khác dẫn tới giá tôm sẽ giữ xu hướng tăng và ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2013. Nhờ đó, XK tôm Việt nam dự kiến sẽ tăng 9% so với 2012 lên 2,4 tỷ USD.
Nhật Bản và Mỹ vẫn duy trì vị trí thứ nhất và thứ hai về NK tôm Việt Nam. Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành nước NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam với tỷ trọng tăng từ 11,4% năm 2012 lên 13,3% trong 6 tháng đầu năm 2013.
Nguồn cung tôm thế giới bị hạn chế bởi sản lượng tôm từ Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của EMS khiến giá tôm tăng trên toàn cầu. Nhờ đó, giá trị XK tôm Việt Nam sang các thị trường lớn tăng lên.
Do diện tích nuôi tôm chân trắng gia tăng trong khi diện tích nuôi tôm sú giảm dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu sản phẩm tôm XK 6 tháng đầu năm. Tôm chân trắng chiếm 41,3% giá trị XK tôm, gần tương đương với tỷ trọng của tôm sú (50,8%).
Cơ hội của ngành tôm Việt Nam năm 2013
- Sản lượng tôm Thái Lan, nước chi phối nguồn cung tôm thế giới, giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế. Theo dự báo của Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan, sản lượng tôm của nước này trong năm 2013 dự kiến giảm 50% so với 550.000 tấn năm 2012.
- Giá tôm trên thị trường thế giới đang tăng nhanh. Giá tôm tại Mỹ, Nhật Bản và EU có xu hướng tăng.
Trên thị trường Mỹ, giá tôm sú 6 tháng đầu năm 2013 tăng thêm 2,26 USD/kg từ 6,40 USD/pao lên 7,53 USD/pao. Giá tôm chân trắng cũng tăng 2,86 USD/kg từ 4,10 USD/pao lên 5,53 USD/pao.
Trên thị trường Nhật Bản, tôm sú HLSO Việt Nam cỡ 16/20 cuối tháng 6/2013 tăng thêm 5,5 USD/kg so với tháng 1/2013, từ 10,72 USD/kg lên 16,23 USD/kg. Tôm sú HLSO cỡ 16/20 từ Ấn Độ cũng tăng thêm gần 5 USD/kg, từ 11,03 USD/kg lên 15,95 USD/kg. Tôm Indonesia tăng 3 USD/kg. Giá tôm chân trắng của Indonesia trên thị trường này trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng đáng kể. Tôm HLSO cỡ 16/20 tăng 1,8 USD/kg, từ 11,32 USD/kg lên 13,1 USD/kg.
Trên thị trường EU, giá tôm chân trắng HOSO tăng 7% trong 6 tháng đầu năm 2013, từ 9,41 USD/kg tôm cỡ 31/40 lên 10,05 USD/kg. Giá tôm sú HLSO tăng 16% từ 8,60 USD/kg tôm cỡ 16/20 lên 10 USD/kg.
- Giá tôm nguyên liệu đang tăng trở lại phần nào khuyến khích người nuôi tôm thả nuôi trở lại, giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn nguyên liệu cho chế biến trong nước. Tôm sú nguyên liệu cỡ 30 con/kg có giá bán 180.000 đồng/kg tăng 20% so với đầu năm. Tôm chân trắng cỡ 100 con/kg có giá bán 102.000 đồng/kg, tăng 8,5%.
- Dịch bệnh có chiều hướng giảm, EMS được kiểm soát tốt hơn.
Theo báo cáo của một số địa phương về tình hình nuôi tôm 6 tháng đầu năm 2013, tôm nhiễm bệnh hoại tử gan tụy đã giảm đáng kể so với năm 2011 & 2012. Nhiều hộ nuôi tôm đã kiểm soát tốt đối với hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi.
Thống kê của Tổng Cục Thủy sản cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 23.938 ha, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2012.
Thách thức và khó khăn
- Rào cản gia tăng từ các thị trường
Mỹ: Ngày 29/5/2013, DOC đã ra phán quyết sơ bộ về thuế chống trợ cấp đối với tôm NK từ 7 nước trong đó có Việt Nam với lý do ngành tôm các nước này nhận trợ cấp từ chính phủ. Việt Nam bị áp thuế 6,07%. Ngày 13/8 tới DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng, tuy nhiên, tôm Việt Nam XK sang Mỹ hoàn toàn có khả năng bị áp thuế “kép” gồm thuế CBPG và thuế chống trợ cấp.
Bang Lousiana của Mỹ đang vin vào lý do bảo vệ ngành tôm khai thác nội địa để thông qua dự luật cấm tôm NK từ các nước bị ảnh hưởng của EMS.
Hàn Quốc: Từ 1/1/2013, Hàn Quốc quyết định kiểm tra Ethoxyquin với dư lượng 0,01ppm đối với tôm NK từ Việt Nam khiến XK tôm sang thị trường này 6 tháng đầu năm giảm tới 23,1%.
Mới đây, Cơ quan Quản lý chất lượng thủy sản Hàn Quốc thông báo, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sẽ thực hiện kiểm tra tăng cường chỉ tiêu axit Nalidixic trong các lô hàng tôm Việt Nam từ ngày 22/7 - 31/12/2013 với tần suất kiểm tra là 3% và chỉ tiêu kiểm tra dư lượng cho phép ≤0,03 mg/kg.
- Tỷ giá đồng yên/USD bất lợi cho XK tôm sang Nhật Bản
Năm 2013, chính phủ Nhật Bản hạ giá đồng Yên so với đồng USD. Có thời điểm, tỷ giá yên/USD đạt trên 103 yên/USD. Sự mất giá đồng yên khiến giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại Nhật tăng mạnh. Thị trường tôm tại nước này chịu ảnh hưởng mạnh. Tiêu thụ tôm giảm. Hoạt động NK và kinh doanh tôm ở Nhật Bản trở nên khó khăn.
- Dịch bệnh và thiếu vốn tiếp tục gây bất ổn nguồn cung nguyên liệu
Mặc dù EMS được kiểm soát tốt hơn tuy nhiên, người nuôi tôm vẫn đang tiếp tục đối mặt với các bệnh dịch khác. Thực tế công tác kiểm soát dịch bệnh còn rất hạn chế, ngay từ kiểm soát chất lượng tôm giống.
Tôm chết loạt do dịch bệnh từ năm 2012 khiến nhiều hộ nuôi tôm kiệt quệ, không còn đủ vốn để thả nuôi tiếp. Việc thế chấp từ ao đầm đã được người nuôi sử dụng nhưng việc định giá đất đã được quy định từ nhiều năm nay nên khung giá đất rất thấp, người dân vay được rất ít.
- Chất lượng và uy tín tôm VN bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh
Ngày 18/4/2013, Mexico ban hành lệnh cấm NK tôm từ 4 nước bị ảnh hưởng của EMS trong đó có Việt Nam.
Ngày 29/7/2013, IntraFish đăng tải thông tin CH Dominica ban hành lệnh cấm NK tôm từ Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh do lo ngại dịch bệnh.
- Chính sách tỷ giá của một số nước cạnh tranh tạo nhiều lợi thế cho XK nước họ
Một số nước, như Ấn Độ đã sử dụng chính sách hạ giá đồng nội tệ trong năm 2013 nhằm tạo thêm lợi thế cho các DN XK tôm. 6 tháng đầu năm 2013, đồng Rupee của Ấn Độ mất giá 9% so với đồng USD theo đó, giá trị XK tôm của Ấn Độ tính theo đồng Rupee tăng thêm 18%.
Dự báo xuất khẩu tôm năm 2013
XK tôm sang Mỹ: Sẽ tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng cuối năm do đó năm 2013, XK tôm sang Mỹ dự kiến tăng 10% và đạt 500 triệu USD
- Thuế chống trợ cấp và những động thái của ngành tôm nội địa sẽ ảnh hưởng tới XK tôm sang Mỹ trong 6 tháng cuối năm nay.
- Nguồn cung từ Ecuador cho thị trường Mỹ sẽ gia tăng nhờ phán quyết của DOC về việc ngành tôm nước này không nhận trợ cấp từ chính phủ.
XK tôm sang Nhật Bản: Dự báo sẽ tăng nhẹ 4% đạt 642 triệu USD do:
- Tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với tôm Ấn Độ trên thị trường này do XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong 6 tháng cuối năm sẽ khó có thể tăng mạnh do tác động của thuế chống trợ cấp.
- Quy định kiểm tra Ethoxyquin tiếp tục hạn chế NK tôm Việt Nam vào Nhật Bản mặc dù nước này đã nới lỏng kiểm tra Trifluralin đối với tôm VN đã giúp giảm bớt phần nào gánh nặng cho tôm XK VN sang đây.
- Chính sách tỷ giá yên/USD cũng là một yếu tố không có lợi cho NK tôm vào Nhật năm 2013 này.
XK tôm sang EU: Dự báo sẽ tương đương năm 2012, đạt khoảng 312 triệu USD
- Nguồn cung từ Thái Lan giảm cộng với xu hướng giá tăng sẽ giúp Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình XK tôm sang thị trường này trong nửa cuối năm 2013.
- Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, và Indonesia trên thị trường này.
XK tôm sang Trung Quốc: Dự báo sẽ giữ mức tăng trưởng từ 15-20% trong 6 tháng cuối năm với giá trị XK sang Trung Quốc cả năm 2013 đạt 300 triệu USD, tăng khoảng 18% so với 2012.
- Dịch bệnh tại Trung Quốc khiến sản lượng tôm nước này giảm là yếu tố chính làm gia tăng mạnh nhu cầu NK tôm của nước này.
(Trích Báo cáo của VASEP tại Hội thảo Định hướng chiến lược nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam)