TIN THỦY SẢN

Hiệp hội và nhóm lợi ích cá nhân

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng

Trong xã hội hiện đại, với nhiều tuyến lợi ích đan xen, thì việc hình thành các nhóm lợi ích, tập hợp và đại diện cộng đồng những người có chung lợi ích để bảo vệ quyền lợi chung một cách công khai, minh bạch trong khuôn khổ pháp luật, là một hiện tượng lành mạnh.

Ở Việt Nam, trong 15 năm qua, trên lĩnh vực kinh tế, các nhóm lợi ích tiêu biểu là các hiệp hội DN, như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), với những hoạt động tích cực bảo vệ lợi ích cho cộng đồng các DN thành viên, được xã hội hoan nghênh. Sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp này với các cơ quan quản lý Nhà nước trong mối quan hệ hợp tác công - tư trong sáng tạo ra một phương thức quản lý mới (PPP), công khai, minh bạch và lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng DN và cả xã hội.

Nhưng trong thực tế, bên cạnh các nhóm lợi ích công khai và minh bạch đó, vẫn nảy sinh những “nhóm lợi ích cá nhân”, hoạt động ngầm, vì lợi ích cục bộ của vài DN hoặc một số cá nhân. Sẽ là cực kỳ nguy hại nếu những cá nhân ấy lại là đại diện của các tổ chức hiệp hội DN. Họ cố tình đưa ra các thông tin sai lệch, bóp méo quan điểm của cộng đồng DN mà họ được giao đại diện; họ thông đồng, móc ngoặc với một số quan chức thiếu công tâm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bảo vệ những quy định không hợp lý, nhằm tạo ra những khoản thu không chính đáng để chia chác, kiếm lợi trên đầu trên cổ DN, gây thiệt hại cho cộng đồng DN, xói mòn lòng tin của DN và xã hội với Nhà nước.

Một biểu hiện của tình trạng đó là những tranh luận kéo dài ròng rã suốt hơn một năm qua, gây ảnh hưởng xấu cho một ngành sản xuất chiến lược của Việt Nam là ngành cá tra. Ngày 29/04/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP “Về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra”, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2014. Tuy nhiên, một số quy định không hợp quy luật kinh tế thị trường trong Nghị định, đã bị đông đảo người nuôi và cộng đồng các DN sản xuất, chế biến và XK cá tra liên tục có ý kiến suốt từ ngày ban hành đến nay. Người nuôi và cộng đồng DN phản đối những quy định cứng nhắc, bất hợp lý đối với trại nuôi, hay về hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng philê cá tra, việc bắt buộc đăng ký và thẩm định hợp đồng xuất khẩu cá tra,... đã được nêu công khai, thẳng thắn trong các cuộc họp liên quan đến Nghị định 36 do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) hay Tổng cục Thủy sản tổ chức.

Hiệp hội VASEP, Ủy ban Nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và một số tỉnh khác đã có nhiều văn bản kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi những quy định này. Chấp nhận xem xét những ý kiến đó, Chính phủ đã chính thức hoãn thời hạn thi hành một số điều khoản đến ngày 31/12/2015. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN &PTNT phải xem xét để để xuất những sửa đổi thích hợp các quy định bất hợp lý trong Nghị định 36/2014 theo đề nghị của VASEP.

Nhưng cho đến nay Bộ NN & PTNT vẫn chưa đề xuất sửa đổi những quy định bất hợp lý ấy, kéo dài tình trạng phấp phỏng, gây bất ổn, rất nguy hại cho sự phát triển bền vững của ngành cá tra. Gần đây một vị lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nêu lý do là “theo phản ảnh của một đại diện VASEP, thì phần đông các DN đều đồng tình với Nghị định 36” (?!?).

Nếu khẳng định của vị đại diện Tổng cục là đúng thì một câu hỏi cần nêu công khai cho cộng đồng DN và công luận tìm câu trả lời là: “vị đại diện VASEP” đó là ai ? Anh ta có quyền báo cáo ngược với ý kiến của tổ chức cộng đồng DN mà anh ta đại diện hay không?

Sự móc ngoặc của các phần tử xấu trong lĩnh vực công và tư, đặc biệt là giữa một số người mạo danh đại diện tập thể hoặc cơ quan chính quyền, làm cho quan hệ hợp tác này bị méo mó, không phục vụ mục đích chung của cộng đồng mà chỉ nhằm kiếm đầy túi cho một “nhóm lợi ích cá nhân”. Cộng đồng DN cần công khai lên án, vạch mặt trước công luận và cơ quan thẩm quyền những kẻ lợi dụng chức vụ, cả ở khu vực công và tư, để mưu lợi cá nhân, phản bội lợi ích của cả cộng đồng DN và lòng tin đặt vào Hiệp hội và Nhà nước!

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng THƯƠNG MẠI THỦY SẢN - Số 189 | Tháng 9/2015