TIN THỦY SẢN

Hiệu quả từ mô hình 1 vụ Artemia - 1 vụ tôm

Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch trứng Artemia. Minh Đạt

Trứng Artemia - một sản phẩm đặc trưng của tỉnh và được các nước đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Để sản phẩm này luôn là vị trí số 1 trên thị trường thế giới, ngành chức năng cần quy hoạch vùng nuôi; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc nuôi để nâng cao chất lượng trứng Artemia; từng bước xây dựng thương hiệu độc quyền và nuôi kết hợp với các đối tượng khác để tăng thu nhập cho nông dân.

Trứng Artemia - một sản phẩm đặc trưng của tỉnh và được các nước đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Để sản phẩm này luôn là vị trí số 1 trên thị trường thế giới, ngành chức năng cần quy hoạch vùng nuôi; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc nuôi để nâng cao chất lượng trứng Artemia; từng bước xây dựng thương hiệu độc quyền và nuôi kết hợp với các đối tượng khác để tăng thu nhập cho nông dân.

Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 146ha nuôi Artemia. Trong đó, Hợp tác xã Thuận Thành (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) có 63ha; xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) có hơn 43ha… Vụ nuôi Artemia năm 2018, năng suất trứng đạt từ 60 - 100kg/ha; cá biệt có một số diện tích nuôi ở xã Vĩnh Trạch Đông năng suất đạt 130kg/ha. Với giá 1,1 triệu đồng/kg trứng Artemia tươi, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi từ 40 - 80 triệu đồng/ha.

Artemia là một loài thủy sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Trứng Artemia là một trong những thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho các loài thủy sản, nhưng do giá thành khá cao nên chỉ dùng làm thức ăn cho tôm sú giống giai đoạn từ ấu trùng đến post. 

Mấy năm gần đây, tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) và các xã Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), nhiều diêm dân áp dụng mô hình nuôi Artemia xen canh với làm muối.

Gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã đầu tư các mô hình nuôi Artemia thí điểm ở các huyện, thành phố. Mỗi mô hình thí điểm 20ha với mức đầu tư 5 triệu đồng/ha (chủ yếu đầu tư giống và một số vật tư). Nhìn chung, các mô hình thí điểm đạt hiệu quả khá cao, cần tiếp tục nhân rộng ở các vùng sản xuất muối kém hiệu quả (như huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu).

Mô hình nuôi 1 vụ Artemia - 1 vụ tôm sú được một số nông dân ở Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông) áp dụng, điển hình là anh Danh Xin. Năm 2017, sau khi thu hoạch vụ Artemia (sản lượng 100kg) với mức lãi khoảng 50 triệu đồng, anh Xin cải tạo ao nuôi diện tích 1ha và thả tôm sú với mật độ 20 con/m2. Sau hơn 4 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 25 - 30 con/kg, thu hoạch 5 tấn tôm sú. Sau khi trừ chi phí, anh Xin lãi hơn 400 triệu đồng.

Anh Xin cho biết: “Sau khi nuôi Artemia và cải tạo ao thả nuôi tôm sú, tôm phát triển rất tốt. Do đặc thù nuôi Artemia nên tôi không sử dụng các loại thuốc thủy sản mà chủ yếu sử dụng vi sinh. Xong vụ nuôi tôm, tôi nuôi Artemia. Bùn và phân tôm là thức ăn tốt cho Artemia phát triển nhanh. Artemia và tôm sú là hai đối tượng bổ trợ nhau. Mô hình 1 vụ Artemia - 1 vụ tôm sú đạt hiệu quả cao, bình quân cho thu nhập 450 triệu đồng/ha. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích 4ha để áp dụng mô hình này”.

Để mô hình 1 vụ Artemia - 1 vụ tôm sú ở vùng ven biển Bạc Liêu phát triển thuận lợi và bền vững, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và các ngành chức năng cần xem xét đưa đối tượng Artemia vào quy hoạch nuôi và vùng nuôi; có cơ chế hỗ trợ vốn cho người nuôi Artemia. Từ đó giúp sản phẩm đặc trưng này từng bước xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường thế giới, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững…

Minh Đạt Báo Bạc Liêu