Hiệu quả từ việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa
Cùng với chương trình hỗ trợ của Dự án FSPS II, trong năm 2011, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ ngành thủy sản đã chọn hộ bà Trần Thị Quyên, (hộ nghèo, hiện ngụ tại ấp An Hòa, xã An Nhơn - Thạnh Phú) làm mô hình thí điểm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.
Ban Quản lý đã hỗ trợ 10.000 con giống và 250 kg cá tạp để bà Quyên thả nuôi trên diện tích 3.000 m2, tổ chức tập huấn qui trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong suốt thời gian tham gia xây dựng mô hình.
Thời gian thả giống bắt đầu từ tháng 6-2011, sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ tôm sống đạt 70%. Tôm thả nuôi được cho ăn hai lần trong ngày vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều. Khi tôm còn nhỏ cho vào vèo vỗ béo khoảng 1 tháng, sau đó mới thả lan ra ao nuôi và cho ăn thức ăn viên dành cho tôm càng xanh. Giai đoạn kế tiếp là cho tôm ăn cá tạp, ruốc trộn với cám, gạo nấu chín (vo tròn lại thành viên trước khi cho ăn). Ngoài ra, còn bổ sung các loại thức ăn khác như dừa khô xỏ thành xâu treo trên các mép nước, mì củ.
So sánh qua 2 vụ nuôi cho thấy việc theo dõi tôm chăm sóc hàng ngày là rất cần thiết, nhất là trong quá trình nuôi phải cho tôm ăn đầy đủ để tôm mau lớn. Bà Quyên thu hoạch hai đợt vào đầu tháng 11 và đầu tháng 12. Tổng sản lượng thu hoạch là 180kg với giá 100.000 đ/kg, thành tiền 18 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí 4 triệu đồng (trong đó chương trình hỗ trợ 3 triệu đồng, vốn tự có 1 triệu đồng), hộ bà Quyên lãi 14 triệu đồng, nếu tính thêm nguồn lợi từ lúa khoảng 2 triệu đồng thì lãi tổng cộng khoảng 16 triệu đồng.
Với kết quả thành công bước đầu, bà Quyên đã hỗ trợ nhiều hộ khác nuôi, các hộ đều có lãi từ 3 đến 5 triệu đồng. Năm 2012, bà Quyên tiếp tục thả nuôi 10.000 con tôm giống, hiện tôm nuôi được 4 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt, kích cỡ hiện khoảng 50 con/kg.
Theo bà Quyên, quá trình triển khai thực hiện mô hình, việc kết hợp nuôi thực tế với tập huấn từng phần là phù hợp với các giai đoạn nuôi. Trong mỗi đợt tập huấn, chủ hộ có điều kiện trao đổi sâu với cán bộ kỹ thuật về các khó khăn vướng mắc và có sự hướng dẫn kịp thời của cán bộ kỹ thuật để điều chỉnh qui trình cho phù hợp hơn.