TIN THỦY SẢN

Hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Văn Thọ

Ngày 19/5/2016, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức “Hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh khu vực phía Nam, Cục Thú Y, Chi cục Thú y các tỉnh ven biển phía Nam, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội nuôi tôm. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến đồng chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong 5 tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của El Nino và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng tại ĐBSCL, nắng nóng xuất hiện sớm, nhiệt độ trung bình ở các tỉnh ĐBSCL cao hơn những năm trước; Lượng mưa ít cùng với việc xuất hiện khô hạn gay gắt ngay trong nửa đầu năm 2016.Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, người nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL đã hạn chế thả giống.

Ước tính tổng diện tích thả nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL lũy kế tính đến 13/5/2016 đạt 546.774 ha (bằng 101% so với cùng kỳ 2015), trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 525.619 ha (bằng 104,6% so với cùng kỳ 2015), diện tích nuôi tôm chân trắng là 21.155 ha (bằng 73% so với cùng kỳ 2015). Sản lượng thu hoạch 90.948 tấn (bằng 93,6% so với cùng kỳ 2015), trong đó, tôm sú là 61.674  tấn và tôm chân trắng là 29.274 tấn.

Tình hình sản xuất giống tôm nước lợ 04 tháng đầu năm 2016 gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tôm giống trên thị trường giảm. Sản lượng giống sản xuất tại các tỉnh đều giảm hơn so với năm 2015. Tính đến ngày 15/5/2016, tổng số tôm giống nước lợ sản xuất là 37,4 tỷ con; trong đó, tôm chân trắng đạt 27,8 tỷ và tôm sú đạt 9,6 tỷ con. Các tỉnh ĐBSCL chủ động được khoảng 40% con giống, còn lại phải nhập ngoại tỉnh từ các tỉnh miền Trung.

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 5 tháng đầu năm 2016, do diễn biến thời tiết bất lợi, ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhâp mặn kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh ĐBSCL đã gây thiệt hại rất lớn cho nuôi trồng thủy sản. Tính đến 16/5/2016, tổng diện tích nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại là 23.095 ha, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 4,22% tổng diện tích nuôi tôm toàn vùng. Trong đó, diện tích bị thiệt hại chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa (khoảng 20.100 ha), còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh (khoảng 3.000 ha). Nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi môi trường, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. Một số tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, độ mặn tăng cao, có nơi lên đến 30-500/00 làm cho tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, các giải pháp ưu tiên trước mắt trong những tháng tiếp theo của năm 2016 là khẩn trương thống kê thiệt hại, đề xuất giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao đầm, chuẩn bị tôm giống để thả nuôi. Đẩy mạnh quan trắc môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Quản lý tốt chất lượng con giống và vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị…

 Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu các cơ quan ban ngành và các địa phương, trong thời gian tới cần tập trung các giải pháp để ổn định sản xuất cho người nuôi, đảm bảo không để sản lượng tôm nuôi giảm trong năm 2016, cần thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để chủ động ứng phó. Đặc biệt, cần theo dõi thường xuyên và quan trắc tình hình xâm nhập mặn để thông báo cho người dân được biết để chủ động ứng phó.

Trước mắt, ưu tiên đầu tư nguồn lực, phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung của 13 tỉnh ĐBSCL. Các đơn vị quản lý từ Trung ương đến địa phương cần phải tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát nuôi tôm nước lợ theo quy hoạch; tích cực phòng chống dịch bệnh; quản lý chặt chẽ chất lượng giống tôm; chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa mưa, là điều kiện rất tốt để tiến hành thả nuôi. Các địa phương cần căn cứ tình hình thực tế của mỗi vùng, triển khai các nhiệm vụ để ổn định và phát triển sản xuất:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Các địa phương có vùng nuôi lớn cần lập tổ công tác, bám địa bàn, hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật phù hợp để hạn chế thiệt hại trong điều kiện hạn, mặn. Khẩn trương xây dựng, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản; Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quan trắc môi trường đã được rà soát bổ sung; Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ giống tôm nước lợ từ nơi sản xuất; tăng cường kiểm dịch để đảm bảo chất lượng giống, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tích cực cải tạo, chuẩn bị ao đầm, con giống để thả nuôi ngay khi có mưa. Các địa phương cũng cần hướng dẫn cho người nuôi áp dụng giải pháp “gièo” giống trước khi thả nuôi thương phẩm để kịp thả nuôi khi có mưa. Cần hướng dẫn người dân lựa chọn và sử dụng giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, gắn với xây dựng tổ chức, quản lý, tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng nuôi tập trung, liên kết chuỗi giá trị.

Văn Thọ Fistenet, 23/05/2016