Hướng đi cho cá lóc Tam Nông
Nuôi cá lóc là nghề truyền thống của nông dân huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Trước đây, các mô hình chủ yếu nuôi nhỏ lẻ phát triển theo mùa lũ, nguồn con giống và thức ăn được thu gom từ tự nhiên.
Đến năm 1996, quy mô nuôi tăng dần, phần lớn được thả nuôi trên ao đất có diện tích từ 1.000-5.000 m2 và được nuôi quanh năm, thức ăn chủ yếu là cá biển nhập từ Kiên Giang và Tiền Giang. Những hộ nuôi lớn cùng góp vốn mua phương tiện để tự vận chuyển và cung cấp thức ăn nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Được sự hỗ trợ của các ban ngành, người nuôi đã bắt đầu áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Đã xuất hiện các mô hình nuôi mới phù hợp với khả năng đầu tư của người dân như nuôi trong vèo, nuôi trên bạt ni lông.
Trình độ kỹ thuật của người nuôi không ngừng được hoàn thiện nên sản lượng và chất lượng cá thương phẩm luôn được cải thiện, tỷ lệ cá bị gù lưng thấp, độ đồng đều cao, góp phần nâng cao tỷ lệ sống và giảm chi phí sản xuất.
Từ năm 2008, thức ăn viên công nghiệp bắt đầu được thử nghiệm trong nuôi cá lóc nhằm thay thế cho thức ăn tươi sống, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nguồn thức ăn cho cá lóc được chủ động hơn nên không còn phụ thuộc vào mùa nước nổi hoặc nguồn cá biển mà có thể thả nuôi quanh năm. Ngoài ra, thức ăn viên công nghiệp cũng giúp làm hạn chế được ô nhiễm môi trường của ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh giúp tăng năng suất, cải thiện phẩm chất và mùi vị thịt cá.
Hiện toàn huyện đã có gần 23 ha nuôi cá lóc, chủ yếu là cá lóc đầu nhím. Năng suất bình quân trên 200 tấn/ha, sản lượng cung cấp cho thị trường gần 7.000 tấn/năm. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, diện tích nuôi cá lóc không thể phát triển thêm, thậm chí có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ không ổn định.
Hàng loạt vùng nuôi cá lóc được hình thành khắp các tỉnh ĐBSCL đã làm cho nguồn cung vượt quá cầu. Nhiều người nuôi đứng trước cảnh phá sản vì thua lỗ liên tục. Trước tình hình đó, nhiều hộ nuôi tại Tam Nông đã nảy sinh ý tưởng nâng cao giá trị con cá lóc bằng cách chế biến thành các loại khô hay mắm cá lóc để dễ tiêu thụ hơn.
Bước đầu chỉ một vài hộ nhỏ lẻ làm với số lượng ít, chủ yếu là bán tại các chợ địa phương, tuy nhiên sau thời gian kinh doanh có hiệu quả nên thu hút nhiều người cùng tham gia, dần dần hình thành nghề sản xuất khô.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có hơn 20 hộ chuyên chế biến và kinh doanh các mặt hàng khô cá lóc. Đa số các cơ sở chế biến đều có quy mô nhỏ dạng hộ gia đình, chế biến theo kinh nghiệm dân gian và sử dụng công nghệ truyền thống sấy khô bằng ánh nắng mặt trời. Mỗi cơ sở hiện nay có công suất trung bình xấp xỉ 3-5 tấn khô thành phẩm mỗi năm, tương đương khoảng 12-20 tấn cá tươi.
Sản phẩm khô không những đáp ứng đủ cho thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng. Tuy nhiên, nghề làm khô cá lóc đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hình thành và phát triển.
Phần lớn các cơ sở chế biến chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ thực phẩm. Mẫu mã bao bì đóng gói còn rất đơn giản, chưa kích thích người tiêu dùng, sản phẩm có tính cạnh tranh chưa cao. Hầu hết các cơ sở đều dựa vào nội lực là chính, chưa có sự hỗ trợ về nhiều mặt của nhà nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năng lực sản xuất chưa cao, tỷ trọng nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng sản lượng toàn vùng, còn lại tiêu thụ dạng tươi sống.
Bên cạnh đó, về trình độ kỹ thuật, chủ yếu các cơ sở làm theo kinh nghiệm được truyền lại qua nhiều thế hệ, chưa có cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo nghề về kỹ thuật sơ chế, chế biến thủy sản cho cơ sở và hộ dân.
Mặc dù nhà nước đã có nhiều chủ trương để hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ hoặc đầu tư trang thiết bị tiên tiến nhưng đến nay chỉ có một số ít cơ sở tiếp cận được nguồn vốn này để thay đổi quy trình sản xuất hoặc từng khâu sản xuất, từ xử lý nguyên liệu đến chế biến, bao gói, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.
Để phát triển hơn nữa nghề làm khô cá lóc, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, các cấp chính quyền. Đầu tiên, cần phải có những quy hoạch cụ thể vùng nuôi cá lóc và khu chế biến riêng biệt. Vận động các hộ nuôi và cơ sở chế biến áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng từ khâu nuôi trồng đến chế biến, nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm...
Ngoài các sản phẩm khô, mắm cần phát triển thêm các mặt hàng khác như chà bông cá lóc, cá lóc làm sạch cắt khúc, hay cá lóc tẩm gia vị…
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng cần thay đổi để các cơ sở nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận, có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, cá lóc và các sản phẩm chế biến từ cá lóc của Tam Nông có thể dễ dàng được vận chuyển đến các thị trường lớn như TPHCM hay xuất khẩu dạng tiểu ngạch sang Campuchia.
Nghề làm khô, mắm cá lóc đã góp phần hình thành cầu nối giữa sản xuất và thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng một cách ổn định, kích thích chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân.