Hướng đi mới trong phát triển rong câu
Rong câu dạng thô chỉ từ 5-6 nghìn đồng/kg khô nhưng sau khi sơ chế, thành phẩm có giá cao gấp 20 lần.
Chị Trần Thị Thu Kiều là hộ duy nhất sơ chế rong câu tại Thuận An (Phú Vang). Bén duyên 20 năm với rong câu, chị kể: “Khi gia đình tôi nuôi trồng thủy sản, rong câu mọc trong ao. Thấy được giá, tôi vừa bán, vừa thu mua của các hộ lân cận”.
Cách bảo quản rong câu tốt nhất là phơi thật khô. Nhà kho của chị khá đặc biệt. Nền xi măng cao 60cm, không cửa nẻo, chỉ có mái tôn và khung thép che chắn bên trên. Lý giải điều này, chị Kiều nói: “Thế này mới đảm bảo. Rong câu cần khô ráo và thoáng khí. Nếu kín đáo quá rong sinh ẩm, dễ thối hỏng”.
Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cái khó nhất đối với chị là giá thành rong câu bấp bênh, trong đó, chất lượng thu, phơi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng thu hoạch rong câu cẩn thận. Rác, cát, tạp chất bám vào rong, làm giảm giá trị sản phẩm. “Rong khô chênh nhau cả vài trăm đồng đến cả nghìn đồng một ký là bình thường. Đó cũng là cái khó trong quá trình sơ chế”, chị Kiều cho biết.
Từ cái khó ấy, chị Trần Thị Thu Kiều là người tiên phong tại Thuận An trăn trở, nghĩ cách nâng cao giá trị rong câu bằng việc sơ chế.
Sơ chế rong câu không cầu kỳ, song đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tỉ mẩn, trải qua nhiều nước “giặt” (đây là khâu làm sạch rong câu bằng cách nhúng và nhặt rửa qua nhiều nước). Khâu này chiếm phần lớn thời gian vì rong câu tươi nhiều tạp chất. Trung bình từ 8-10 kg rong tươi sẽ cho 1 kg rong câu khô.
Tránh đất cát, chị Kiều tận dụng mái bằng của nhà mình. Canh chừng bụi, người phơi phải canh chừng luôn cả thời tiết. Chỉ cần vướng chút mưa, rong câu khô sẽ thối hỏng ngay.
Rong câu được ép thành bánh, khô ráo sau khi phơi từ 3- 4 ngày nắng to, cho vào bịch. Thời gian bảo quản lên đến 1 năm. Muốn sử dụng, người dùng chỉ cần ngâm nước, rửa lại là có thể chế biến rong câu thành nộm, làm thạch, rất có lợi cho sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thuận An cho biết, hiện nay, chị Trần Thị Thu Kiều là hộ sơ chế rong câu duy nhất tại địa phương.
Mỗi bánh rong câu thành phẩm 200g có giá 20 nghìn đồng. Giá thành rong câu sơ chế cao gấp 20 lần rong khô dạng thô. Chỉ cần đảm bảo điều kiện vệ sinh, việc xây dựng và phát triển nghề sơ chế rong câu khô tại Thuận An là rất khả thi. Đây cũng là mong muốn của bà Hoàng Oanh: “Chúng tôi luôn sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ chị Kiều cũng như các chị em phụ nữ có nhu cầu trong việc phát triển sơ chế rong câu. Hy vọng thời gian tới, rong câu khô sẽ được các chị em quan tâm sản xuất”.
Một số địa phương như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Khánh Hòa…rất nổi tiếng với rong khô. Thị trấn Thuận An, các xã như Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh Hưng, Vinh Hiền… đều có tiềm năng rong câu lớn. Trong khi đó, hầu hết rong câu đều không qua sơ chế hay chiết xuất ra sản phẩm, chủ yếu vẫn xuất thô, vì thế giá trị không tương xứng với tiềm năng.
Hướng đi mới của chị Kiều đã nâng tầm cho sản vật của địa phương. Với khoảng 22 nghìn ha mặt nước đầm phá trên toàn tỉnh, việc biến rong câu thành đặc sản là rất khả thi. Đây cũng là thời điểm phù hợp khi việc nuôi xen ghép thủy sản và rong câu đang chứng tỏ lợi thế bền vững so với cách nuôi trồng truyền thống.