TIN THỦY SẢN

Huyện Phước Long (Bạc Liêu): Nhiều giải pháp cho sản xuất lúa - tôm năm 2016

Mô hình lúa - tôm của nông dân huyện Phước Long. Ảnh: P.T.C Tấn Đạt

Ngày 21/7/2016, tại huyện Phước Long đã diễn ra hội nghị chuyên đề bàn biện pháp sản xuất lúa - tôm vụ mùa 2016. Gần 100 nông dân tiêu biểu, cán bộ địa phương ở các xã, thị trấn có canh tác lúa - tôm cùng các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT và Sở KH&CN tham dự.

Những kết quả đạt được

Huyện Phước Long có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 20.000ha, tập trung ở 6 đơn vị thuộc vùng chuyển đổi, gồm: xã Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, xã Phước Long, một phần xã Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh và thị trấn Phước Long. Mô hình chủ yếu là nuôi tôm theo hình thức quảng canh kết hợp tôm - cua - cá. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa - tôm nhiều nhất ở 3 đơn vị là xã Phước Long, Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long với tổng diện tích trên 9.000ha. Đây là mô hình sản xuất đem lại kết quả bền vững, ổn định môi trường và bổ sung độ màu mỡ trong đất.

Đánh giá thực trạng vụ sản xuất lúa - tôm năm 2015, Ban chỉ đạo sản xuất huyện Phước Long cho rằng, thuận lợi lớn nhất là huyện đã triển khai kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm, thông báo lịch thời vụ sản xuất, lịch điều tiết nước để nông dân chủ động sản xuất. Huyện và cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác dự báo, dự tính tình hình thời tiết và sâu bệnh, chủ động đề ra các biện pháp phòng trừ sâu rầy có hiệu quả; nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất…

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, nguồn nước từ sông Hậu đổ về ít, dẫn đến độ mặn trên hệ thống kênh rạch tăng cao, khâu tháo chua, rửa mặn gặp nhiều khó khăn nên đã có hơn 4.000ha lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại. Bài học đó, một phần còn do nông dân dù được tập huấn khá nhiều nhưng áp dụng kỹ thuật vào thực tiễn chưa tốt. 

Kế hoạch vụ mùa mới

Vụ mùa 2016, huyện Phước Long sẽ xuống giống lúa trên đất tôm hơn 9.200ha. Trong đó, nhiều nhất là xã Phước Long với hơn 4.700ha, thị trấn Phước Long hơn 2.700ha, xã Vĩnh Phú Tây gần 1.700ha và Vĩnh Thanh 70ha.

Giải pháp mà huyện đưa ra cho vụ lúa - tôm năm 2016 là tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn theo chuyên đề, mô hình để nông dân dễ áp dụng. Tập trung tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích lúa - tôm ở xã Vĩnh Phú Tây theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tập huấn giải pháp khoa học - kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất lúa với các nội dung: áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” trong sản xuất lúa; sử dụng phân bón, các chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Đặc biệt là trang bị kỹ năng phân tích hệ sinh thái ruộng lúa kết hợp hướng dẫn ghi chép sổ tay.

Tiếp tục triển khai thực hiện dự án WB6 về mô hình thí điểm ô đê bao khép kín vùng sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ấp Phước Thạnh (xã Phước Long) trên diện tích 300ha. Đồng thời phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư trình diễn mô hình lúa - tôm (giống lúa Một bụi đỏ) cho 129 hộ nông dân ở 4 ấp thuộc xã Phước Long. Song song đó, huyện sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT và TX. Giá Rai đầu tư khép kín khu vực vành đai xã Vĩnh Phú Tây để thực hiện tốt mô hình lúa - tôm ở 5 ấp thuộc vùng chuyển đổi. Huyện cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân để đắp thêm 6 con đập vành đai ngăn mặn, giữ ngọt nhằm bảo vệ tốt trà lúa trên đất tôm ở khu vực này.       

Những khuyến cáo

Ông Lê Văn Tần, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long phân tích: Sở dĩ giống lúa lai F1 có năng suất rất cao trên đất nuôi tôm nhưng người dân vẫn không mặn mà vì giá lúa giống quá cao (hơn 100.000 đồng/kg). Bên cạnh đó, giống Một bụi đỏ Hồng Dân cũng có năng suất, chất lượng cao, lúa giống có sẵn tại địa phương lại có đầu ra rất tốt nên huyện khuyến cáo bà con cần ưu tiên sử dụng giống lúa này.

Về kỹ thuật canh tác, nếu lúa sạ thì con tôm rất khó hoạt động, khó tìm thức ăn trên ruộng lúa dẫn đến tôm chậm lớn. Nếu cấy lúa hoặc sạ hàng thì chi phí sản xuất rất thấp, ít rủi ro và hiệu quả cao cho cả con tôm và cây lúa. Theo ông Tần, ở góc độ ngành chuyên môn, Sở NN&PTNT xây dựng mô hình điểm từ cách làm này nhằm thay đổi nhận thức, phương pháp sản xuất trong nông dân. 

Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng mô hình lúa - tôm đến thời điểm này vẫn được xem là mô hình lý tưởng, đang được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ông Na cũng kêu gọi nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Việc rửa mặn và xuống giống đồng loạt sẽ hạn chế rủi ro về sâu rầy và giúp địa phương chủ động hơn về nguồn nước phục vụ sản xuất. Về vấn đề giống, ông Na cũng đề nghị nông dân nên ưu tiên chọn giống đặc sản địa phương để hạn chế sự độc quyền của công ty sản xuất lúa lai dẫn đến cung ứng lúa giống với giá cao. Nếu ở vùng nào khó khăn về nước, nông dân nên chọn giống lúa ngắn ngày.

Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng huyện Phước Long rất chủ động trong vấn đề sản xuất. Bà Oanh khẳng định, thiệt hại trong sản xuất ở huyện Phước Long thời gian qua phần lớn xuất phát từ kết cấu hạ tầng cho sản xuất còn yếu kém, khung bao không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do đó, trong giải pháp công trình, huyện cần quan tâm công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng. Ở góc độ tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với huyện Phước Long điều tiết nước thật tốt phục vụ sản xuất.

Tấn Đạt Báo Bạc Liêu, 22/07/2016