Kết nối thị trường các sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận VietGAP
Áp dụng VietGAP hiện đang được định hướng sẽ là lựa chọn cho các nhà sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm môi trường, vệ sinh ATTP, an toàn lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
Ngày 08/10/2013 tại Tp HCM, để tạo nên GTGT, kết nối chuỗi giá trị và duy trì chất lượng của các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa đạt chứng nhận VietGAP, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản (TCTS) và Tập đoàn Metro Cash &Carry Việt Nam (Metro) tổ chức buổi hội thảo “Kết nối thị trường các sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận VietGAP”.
Hội thảo nhằm tạo cầu nối để các thành phần trong chuỗi giá trị thủy sản liên kết lại với nhau và thúc đẩy áp dụng VietGAP, hướng tới phát triển bền vững. Tham dự có hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các DN và người nuôi tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản cùng một số tổ chức chứng nhận VietGAP.
Ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây NTTS có bước phát triển nóng, dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Do đó, cần thiết triển khai áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong NTTS để đảm bảo các yêu cầu về ATTP, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP với người nông dân hiện không phải là chuyện dễ dàng. Ông Trần Văn Làm, đại diện Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng đầu ra của sản phẩm thủy sản VietGAP hiện còn rất mơ hồ nên người nông dân không có động lực để triển khai. Mặt khác, các chi phí cho quản lý và áp dụng VietGAP hiện cũng chính là trở ngại lớn khiến người nuôi thờ ơ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại khi bắt đầu xuất hiện rất nhiều loại tiêu chuẩn dành cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa do hiện nay một số hệ thống phân phối lớn ở Việt Nam cũng đã và đang tự phát triển các tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng tươi sống. Điển hình là Metro Việt Nam với bộ tiêu chuẩn MetroGAP dành cho các nhà cung cấp hàng thủy sản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng TCTS, khẳng định việc áp dụng VietGAP không phải để tăng giá, tăng doanh thu mà là để mở rộng thị trường và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng hiện nay, cần thiết phải có sự thay đổi về tập quán và nhận thức của người sản xuất cũng như của người tiêu dùng.
Đồng thời, theo ông Tuấn, trong thời gian tới TCTS và Metro Việt Nam cần cố gắng đi đến thống nhất một bộ tiêu chuẩn chung cho hàng thủy sản tiêu dùng nội địa, tránh lặp lại tình trạng phải đối mặt với một “rừng” các chứng nhận mà hiện nay hàng thủy sản XK đang gặp phải. Mặt khác, từ năm 2015, cá tra sẽ bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi và chế biến, sau đó sẽ mở rộng tới các loại thủy sản khác. Để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, TCTS sẽ kết nối với các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm VietGAP cũng như nỗ lực tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.