Khai thác nguồn lực thủy sản để phát triển kinh tế
Ông Xa Văn Chính, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiền Lương (Đà Bắc) cho biết: Xã có 915 ha mặt nước lòng hồ sông Đà, trải dài qua các xóm Doi, Mơ, Ké. Đây là lợi thế mà xã xác định cần khai thác hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thêm sức mạnh cho phát triển KT-XH.
Những năm gần đây, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó khuyến khích lựa chọn đầu tư vào mô hình nuôi cá lồng để khai thác tốt lợi thế mặt nước. Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng đã và đang góp phần tích cực chuyển đổi ngành nghề cho lao động, bước đầu hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung có hiệu quả kinh tế bền vững.
Xã Hiền Lương có diện tích tự nhiên 3.915 ha, trong đó, diện tích mặt hồ 915 ha, đất nông nghiệp 111,5 ha, đất lâm nghiệp trên 1.858 ha, đất thổ cư trên 53 ha, còn lại là các loại đất khác. Kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 70% cơ cấu kinh tế, trong đó, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp đơn thuần với hiệu quả kinh tế thấp, thiếu tính bền vững. Xác định nếu khai thác tốt nguồn lực thủy sản thì sẽ tạo được khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chính quyền xã Hiền Lương đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện ủy Đà Bắc về phát triển ngành thủy sản, trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá lồng trên địa bàn xã. Cuối năm 2012, Trung tâm Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) đã thực hiện mô hình thử nghiệm nuôi cá tầm thương phẩm bằng lồng lưới tại vùng lòng hồ địa bàn xã Hiền Lương với quy mô trên 2.000 con cá giống, nuôi thả tại 2 lồng. Đến nay, đàn cá tầm phát triển tốt, các đơn vị thực hiện mô hình bước đầu xác định xã Hiền Lương cũng như các xã vùng lòng hồ sông Đà có điều kiện phù hợp cho việc phát triển nghề chăn nuôi cá, trong đó có các loài cá nước lạnh như cá tầm.
Có trên 900 ha diện tích mặt nước nhưng đến cuối năm 2012, tổng diện tích ao cá trên toàn xã Hiền Lương mới chỉ đạt khiêm tốn khoảng 3,5 ha, tổng sản lượng khai thác, đánh bắt cá trên mặt hồ năm 2012 đạt trên 300 tấn. Tận dụng lợi thế có diện tích mặt nước của lòng hồ sông Đà, một số hộ dân xóm Doi, Mơ, Ké đã mạnh dạn chuyển hướng làm ăn, quyết định đầu tư nuôi cá lồng, Hộ nuôi nhiều từ 8-10 lồng, hộ nuôi ít từ 1-2 lồng. Hiện tại, xã Hiền Lương có khoảng 60 lồng cá các chủng loại chiên, trắm cỏ, trê lai, rô phi… Các hộ nuôi cá lồng có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm, đời sống được cải thiện đáng kể. So với nghề đánh bắt cá trên sông thường bấp bênh, kém hiệu quả thì nghề nuôi cá lồng thực sự là một hướng đi có tính bền vững. Sự xuất hiện của nghề nuôi cá lồng cho thấy chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân xã Hiền Lương, bước đầu khẳng định quyết tâm của chính quyền trong việc khai thác tối đa nguồn lực thủy sản để tạo thêm sức mạnh cho KT-XH.