Khám phá "vương quốc” hàu xứ Huế
Nằm nép mình dưới chân Hải Vân Quan huyền thoại với con đường uốn lượn chạy quanh, đầm Lập An như một dải lụa mỏng, mềm mại, mang vẻ đẹp quyến rũ với mặt nước xanh trong vắt, soi lồng bóng núi, trên không là từng lớp mây trời vần vũ tựa như làm “dáng”... tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình mà ít nơi nào có được. Ngày nay, mảnh đất này còn được người đời xưng tụng như một “vương quốc” thu nhỏ của loài hàu xứ Huế.
Huyền bí Làng Cò
Đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một quần thể sinh thái biển trực thuộc vịnh Lăng Cô, với hàng trăm loài động, thực vật sinh sống. Đầm có diện tích hơn 800 héc-ta mặt nước, là “nguồn sữa”, là kế sinh nhai của gần một vạn dân dưới chân đèo Hải Vân.
Nhưng không một ai trong số những cư dân hiện tại đang sống quanh đầm Lập An tường tận về gốc tích của con đầm này. Với người dân các thôn Tân Lập, Hói Dừa, Hói Mít và Hải Vân mỗi khi nhắc đến nguồn gốc con đầm đẹp tựa như “hồ tiên” trên, họ thường phải dùng đến từ “huyền bí” để mô tả chính xác nhất cho hiểu biết của họ.
Theo như các bậc cao niên ở thôn Tân Lập, thì không ai biết con đầm có từ khi nào, ai là chủ nhân của nó. Họ chỉ được nghe các thế hệ đi trước kể lại rằng, từ thuở xa xưa khi người dân di cư đến cất đất lập làng, con đầm đã ở đó rồi. Thuở đó, con đầm mang tên là đầm Làng Cò chứ không phải là đầm Lập An như bây giờ.
Sở dĩ như vậy là vì thời đó đầm là mảnh đất dành riêng cho loài cò sinh tồn. Nghe nói, hồi đó đầm còn có cả một rừng cây to, cao và rậm rạp vô cùng. Thủy triều lên xuống, cây trong lòng đầm rẽ nước trồi lên, dưới lòng đầm nước chỉ chạm mắt cá chân của con nít, tôm cá bơi theo dòng thủy triều rút xuống không kịp đành “ngoan ngoãn” giãy dụa giữa lòng đầm...
Người dân hai bên lòng đầm suốt ngày lên rừng đốn củi, hái rau gì không biết cứ đến xế chiều, đợi thủy triều rút lại lục đục kéo nhau ra đầm xúc tôm cá về ăn. Cá tôm nhiều đến độ người dân xúc không hết, nằm lăn lóc khắp nơi dưới lòng đầm vậy là hàng vạn con cò đã “chầu chực” trên các thân cây tự bao giờ. Chúng chỉ chờ người dân rút khỏi đầm là đua nhau sà xuống lòng đầm say sưa “chén” một bữa thịnh soạn.
Chiều nào cũng như chiều nào, hàng vạn con cò đậu trắng xóa cả mặt đầm, nhìn no đến cả mắt, nhưng thịt cò vừa dai nhếch, vừa hôi khói nên cũng chẳng ai thèm bắt. Có lẽ vì thế mà đàn cò ngày một đông đúc, đến nỗi người ta đặt luôn tên đầm là Làng Cò.
Cuộc đời của những cư dân trên mặt đầm cứ lênh đênh theo con nước. Thủy triều xuống, người ta có thể lội bộ dạo chơi trong lòng đầm mà nước chỉ đến đầu gối. Đây cũng là thời gian “vàng” để những cư dân sông nước nơi đây trùm mình cào vớt những mớ điệp, hàu, sò... rồi lên chợ ven đường mà bán đổi gạo. “Cả nhà sống bám nhờ mặt đầm. Con nước lên thì mình ngồi chơi, nước xuống thì trùm mình lặn cào sò, hàu” – ông Nguyễn Văn Ba (67 tuổi, thôn Hói Dừa) nhớ lại.
Chiều tà, ngồi trên chiếc chòi canh cá, nhấp ngụm rượu đế cay nồng, nghe các vị bô lão trong làng kể câu chuyện về cái đầm huyền bí này, chúng tôi có cảm giác như đã từng có một rừng U Minh hay Cần Giờ của đất phương Nam, ngay trên đất Thừa Thiên vào thuở ấy.
“Báu vật” Lăng Cô
Bỏ qua những con đường đông đúc xe cộ, ghé chân về hướng đường mòn dọc đầm Lập An dễ dàng bắt gặp hình ảnh rất nhiều du khách đang “thả” hồn theo gió nước và thưởng thức món hàu, món ăn được coi là đặc sản nơi đây.
Hàu ở Lăng Cô được coi là loại hàu ngon nhất nước, là “báu vật” của người dân sống quanh đầm Lập An. Chúng tôi làm quen với anh Nguyễn Thái (45 tuổi), chủ một “trại” hàu ở thị trấn Lăng Cô, lúc này cả gia đình anh Thái đang tất bật với một mẻ hàu mới dỡ.
Đặc sản hàu xứ Huế (Hình minh hoạ. Nguồn: thanhnien).
Vừa khiêng những “chiến lợi phẩm” mới thu được xuống thuyền anh Thái vừa tự hào kể: “Bữa ni là đang trúng giữa mùa nên hàu lớn đều và rất chắc thịt. Mùa của hắn là từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Không biết các nơi khác sao chứ ở đây bao đời nay vẫn nuôi hàu theo cách tự nhiên. Đem thả lốp xe cũ xuống đầm để thu giống. Thường thì thời gian thả lốp vào khoảng 20 tháng 3 Âm lịch, bắt đầu thu hoạch từ tháng Hai đến tháng Ba năm sau thì hết một lứa hàu.
Sau thời gian khoảng chín tháng, các cá thể hàu tự hình thành và bám vào lốp xe. Chẳng thức ăn, phân đạm chi mà hàu lớn như “thổi”, có vị ngon ngọt, mằn mặn và đặc biệt là thịt rất chắc. Mỗi vụ hàu, nhà anh Thái phải huy động toàn bộ “lực lượng” ra đầm, có khi còn phải thuê thêm người phụ giúp. Từ 5.000 đến 10.000 lốp hàu lần lượt được thu hoạch. Đàn ông trong nhà chèo thuyền ra giữa đầm dỡ hàu, sau đó mang vào bờ để phụ nữ, trẻ em đập hàu ra khỏi lốp rồi chẻ lấy ruột hàu.
Trời quá trưa, nắng như rót mật xuống mặt đầm Lập An nhưng sự tấp nập, nhộn nhịp ở đây vẫn không ngớt. Khách du lịch đi ngang, khó có thể cưỡng lại mùi thơm của hàu “tươi” nướng ngay tại “ruộng”.
Chị Phan Thị Mai (40 tuổi), vợ anh Thái, vừa đập hàu vừa hướng dẫn cho những người khách du lịch chọn hàu, rồi chị nhiệt tình “nổi lửa” chế biến luôn cho khách. Những người dân ở Lăng Cô như anh Thái, chị Mai luôn ý thức được giá trị của con hàu đối với cuộc sống của họ.
Nhiều người dân nơi đây còn ví con hàu Lăng Cô như thứ đặc sản chẳng nơi nào sánh kịp, bởi đó là lộc của trời ban tặng riêng cho mảnh đất này. Nhờ chuyển sang nuôi hàu mà đời sống của người dân Làng Cò năm nào đã bước sang một trang mới.
Cái thời sống nhờ con tôm, cái tép trong đầm Lập An chỉ còn hiện hữu trong trí nhớ của mỗi người.
Quệt vội giọt mồ hôi, bà Huỳnh Thị Đáng (61 tuổi, thị trấn Lăng Cô) kể: “Hồi xưa, cả nhà tôi kiếm sống từng bữa nhờ tiền bán tôm bán cá bắt ở cái đầm ni, nhưng khổ lắm, ngày có ngày không. Ruộng thì không có để mần. Cha mẹ khổ mà con cái cũng khổ. Nhưng từ khi “phong trào” nuôi hàu xuất hiện thì cuộc sống đã khá hơn. Vốn bỏ ra ít, lấy công làm lời. Tuy cũng vất vả nhưng không còn cảnh nơm nớp lo không có tiền mua gạo như trước. Nhiều nhà ở đây, nhờ hàu mà ăn nên làm ra lắm, người siêng năng thì xây được nhà, tậu được cả xe”.
Ở Lăng Cô, nghề nuôi hàu còn là hướng giải quyết việc làm cho rất nhiều thanh thiếu niên. Sau khi gỡ hàu ra khỏi lốp xe, người dân đập và chùi sạch lốp xe. Cách mà người dân thị trấn Lăng Cô làm sạch lốp cũng thật đặc biệt. “Đem đống lốp xe xếp thành một hàng dài trên đường quốc lộ để xe lớn đi qua cán lên, làm bong tróc lớp vỏ hàu còn sót lại trên lốp. Cách làm này vừa nhanh mà lại ít tốn công sức” – Anh Thái tâm đắc kể.
“Làm hàu lấy công làm lời” – đó là bộc bạch chung của những con người hằng ngày phơi mình dưới nắng nơi đây. Tuy nhiên, nhờ con hàu mà cuộc sống người dân đã trở nên khấm khá hơn, tiếng tăm của mảnh đất Làng Cò cũng được thơm lây nhờ hương vị mằn mặn, ngòn ngọt riêng có của giống hàu Lăng Cô. Cánh đồng hàu ngày ngày vẫn là nơi kiếm cơm của bao con người quanh đầm Lập An, nhưng nó còn là “bản sắc” và nét riêng có của xứ trời nước mênh mông này nữa.