Kháng sinh trong thủy sản: Càng cấm càng dùng?
Điều đáng quan tâm là 2 loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong cả nuôi tôm và cá lại là Enterofloxacin và Ciprofloxacin, đã bị cấm sử dụng từ lâu.
Theo Tổng cục thủy sản, ước tính sản lượng 8 tháng đầu năm 2020 đạt 4,9 triệu tấn, tăng khoảng 136 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước và đạt 62,9% kế hoạch của năm. Trong đó, sản lượng đánh bắt đạt 2,36 triệu tấn và nuôi trồng đạt 2,54 triệu tấn. Xuất khẩu tôm năm 2020 đạt 3,85 triệu USD, bất chấp những khó khăn của dịch Covid-19, sản lượng này vẫn tăng 15% so với năm 2019.
Hiện trạng
Thuốc kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm qua. Tất cả các kháng sinh tại Việt Nam đều được nhập khẩu dưới dạng nguyên liệu hoặc thành phẩm. Có đến 1.500 sản phẩm thuốc thú y được cấp phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các sản phẩm kháng khuẩn không chiếm tỷ trọng lớn. Khoảng 72% trại nuôi tôm cá sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để điều trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng (số liệu năm 2011). Mua và bán kháng sinh tràn lan cũng là một yếu tố dẫn đến việc sử dụng kháng sinh ở mức cao. Từ đó, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, rất nhiều gen kháng kháng sinh đã được tìm thấy trong các sản phẩm thủy sản. Việc sử dụng kháng sinh có thể gây ra các vấn đề kinh tế và sức khỏe nghiêm trọng đối với cả vật nuôi thủy sản và con người.
Thuốc kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm qua.
Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể phát triển và lây lan giữa thủy sản và con người, thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua chuỗi thức ăn và môi trường. Do đó, sự kháng thuốc lây lan là một vấn đề nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Theo thông tư năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 24 loại hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có Enterofloxacin và Ciprofloxacin. Tuy cấm sử dụng, nhưng liệu người nuôi thủy sản có thật sự tuân thủ hay không?
Việc sử dụng kháng sinh và các hóa chất khác phổ biến trong nuôi tôm cá ở cả ba miền, trong đó nuôi cá sử dụng nhiều kháng sinh hơn so với nuôi tôm. Có hơn 20 loại kháng sinh đã được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các bệnh trong nuôi tôm cá, bao gồm cả các loại kháng sinh đã bị cấm. Điều đáng quan tâm là 2 loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong cả nuôi tôm và cá lại là Enterofloxacin và Ciprofloxacin, đã bị cấm sử dụng từ lâu. Ngoài ra còn có Oxytetracycline được sử dụng phổ biến nhưng cũng bị hạn chế sử dụng trong thủy sản.
Hiện nay, trong nuôi cá sử dụng nhiều kháng sinh hơn so với nuôi tôm.
Người nuôi thủy sản sử dụng kháng sinh như thế nào?
Thực tế, người nuôi đưa ra quyết định sử dụng loại kháng sinh nào dựa trên kinh nghiệm của bản thân, lời khuyên từ hàng xóm hay từ người bán thuốc. Người nuôi cũng thường chỉ mô tả các triệu chứng của cá hoặc tôm bị bệnh và được người bán khuyến cáo loại kháng sinh. Họ không nhớ về thuốc kháng sinh đã sử dụng, hầu hết chỉ nhớ nhãn hoặc màu sắc của thuốc thay vì nhớ tên. Do đó, người nuôi cần được trung tâm khuyến ngư địa phương bổ biến về việc sử dụng kháng sinh và các thành phần thông qua các buổi tập huấn, hội thảo.
Trong hầu hết các trại nuôi thủy sản, người ta thường tự trộn thức ăn và thuốc cho vật nuôi của họ. Cách trộn này có thể dẫn đến dư lượng kháng sinh cao trong các sản phẩm tôm, cá. Theo nhiều báo cáo, việc kháng thuốc trong nuôi cá phổ biến hơn (64%) so với nuôi tôm(24%). Những người nuôi thủy sản cho biết rằng “thay đổi thời tiết” hoặc “vật nuôi của ao bệnh cạnh bị bệnh” là những lý do chính để bắt đầu điều trị bằng kháng sinh cho vật nuôi của mình.
Trong hầu hết các trại nuôi thủy sản, người ta thường tự trộn thức ăn và thuốc cho vật nuôi của họ.
Để giảm bớt tác hại của kháng sinh, cần phải có đơn thuốc với chẩn đoán bệnh và xét nghiệm kháng sinh đồ trước khi sử dụng cho thủy sản. Chính phủ cũng cần giám sát và quản lý chất lượng thuốc thủy sản trên thị trường. Thiết lập các hệ thống giám sát, chẩn đoán bệnh hiệu quả và tiếp cận với các loại thuốc kháng sinh chất lượng. Thúc đẩy sử dụng thuốc thủy sản an toàn để cải thiện an toàn sinh học và giảm sự kháng thuốc của vi khuẩn. Sử dụng các biện pháp thay thế cho các phương pháp điều trị bệnh bằng kháng sinh như an toàn sinh học, tiêm chủng, sử dụng probiotic.
Reference: Quynh Huong Luu, Thi Bich Thuy Nguyen, Thi Lan Anh Nguyen, Thi Thu Thuy Do, Thi Ha Thanh Dao, Pawin Padungtod (2021). Antibiotics use in fish and shrimp farms in Vietnam, Aquaculture, https://doi.org/10.1016/j.aqrep.2021.100711.