Khó cưỡng món "nghêu tơ" xứ Gò Nam bộ
Xứ Gò Công - nơi hợp lưu của nhiều nhánh sông, cửa biển như Vàm Cỏ Đông, Xoài Rạp, cửa Tiểu... nên có sản vật vô cùng phong phú, đặc biệt ngon và nổi tiếng là các loài cá, tôm, nghêu…
Theo các chuyên gia hải sản trong nước cũng như một số người sành ăn, chính chất lượng hệ phiêu sinh nước lợ (nước xà hai) đã làm cho hải sản nơi Gò Công thơm ngọt lạ.
Đơn cử với con nghêu. Đem luộc thôi, kèm 1 - 2 trái ớt hiểm giã giập khử tanh, mới 5 - 7 phút sau đã nghe thơm lừng mùi sữa bắp nếp. Vài đồng nghiệp biết ăn, nghe vậy vội mạnh miệng phản bác: “Dóc tổ”! Thế nhưng, có dịp về bãi biển Tân Thành tác nghiệp - cách thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang khoảng 15 Km, nếm thịt nghêu tơ, có người buộc miệng khen: “Ồ! Đáng nể thật!”
Thịt nó giòn lẫn ngọt đậm, mập ú, lưỡi trắng phau. Cắn vào 5 - 7 con đủ say cái ngon! Nếu bạn gặp những con mình hơi ửng hồng (nhạt hơn sò lông) thì càng tuyệt. Bởi chúng đang ôm trứng, thêm vị bùi bùi. Nhiều người thích chấm với nước mắm chua ngọt, hoặc chấm cùng muối tiêu “bà đẻ” (phải nướng cho tiêu thơm sực nức và muối cháy vàng - hết mùi tanh), trộn ít ớt bằm ngâm giấm, vắt nửa trái tắc hườm hoặc miếng chanh giấy mọng nước, thoảng mùi vị chua thanh đủ làm khổ sở mấy kèn công phồng má thổi kèn!
Mùa nghêu mập ở đây kéo dài từ sau tết Nguyên Đán đến đầu mùa mưa. Con nào nổi gân hình vòng cung càng rõ trên vỏ thì thịt càng đầy.
Từ năm 2000, nghêu nơi này đã đủ chuẩn xuất sang châu Âu, khi mà nghêu nhiều nơi khác còn đang chờ xét duyệt về chất lượng. Và nhiều cái lưỡi tinh tế khu vực Nam bộ bình chọn về “thánh địa” nghêu ngon thổn thức như sau: nhất Gò Công, nhì Bến Tre, ba Cần Giờ.
Luộc nghêu hàng cao thủ là không cho nước vào và canh nó vừa hé miệng (nở búp) thôi. Nếu để quá lửa, nó hả toét miệng, thịt teo bớt, dai hơn và mất ngọt. Bù lại, bạn lắng nước luộc đem nấu tô canh rau tập tàng, sẽ ngọt thơm gấp bội. Nước canh đục màu sữa tươi, thoang thoảng hương vị rong rêu tinh sạch. Rắc vào ít tiêu sọ giã lúc tắt lửa, khi khói canh đang lững lờ thì mộng bỏ… dưới hoa về chui vào tô canh!
Tuy vậy, nghêu đại (loại gần bằng chén nước chấm) như gái nạ dòng - thịt lạt, dai. Lý tưởng nhất là, chọn cỡ 45 - 50 con/kg. Tách ra, nấu món hầm nghệ theo kiểu triều Nguyễn. Mới húp muỗng nước thôi, đã thống sướng vô cùng!
Cần lưu ý thêm về các từ: nghêu “nguội” với “nóng”, do dân địa phương thường gọi. Cả hai dạng này ăn đều dở. Do nước thủy triều có ngày không cạn sát nên ngư dân cào bắt nghêu chưa được. Những ngày đó, tiểu thương vẫn trữ nghêu cũ để bán cho du khách; hay vì họ bán ế vài hôm, khiến rổ nghêu ốm hẳn (nguội). Hoặc gặp nghêu mới lên (nóng), miệng còn ngậm ít cát, ăn vào dễ bất mãn.
Thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; Tổng diện tích bãi nghêu Tân Thành ước khoảng 1.800ha, cho năng suất trung bình từ 7.000 - 10.050 tấn/năm. Nếu suôn sẻ, phải mất ba năm ròng, một trứng nghêu cám bằng hạt cát mới lớn thành con nghêu thịt.