Không đẩy cái khó vào doanh nghiệp
Bức xúc, ngạc nhiên… là những từ mà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản phát biểu tại buổi lấy ý kiến “Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng” do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) tổ chức.
Theo đó, chính sách hỗ trợ nhà nước việc ân hạn nộp thuế 275 ngày sẽ không còn hiệu lực mà phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep, cho rằng, ân hạn thuế 275 ngày là chính sách dày công để khuyến khích DN đầu tư. Lợi dụng sự thông thoáng này, có DN trốn thuế, nhưng không thể vì vậy mà dùng biện pháp ân hạn thuế khi có bảo lãnh ngân hàng đối với cả cộng đồng DN, đi ngược lại chủ trương khuyến khích sản xuất của Nhà nước.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Higland Dragon, phải chăng Nhà nước thay đổi cam kết khuyến khích đầu tư nước ngoài. Điều đó làm cho DN nghĩ rằng, Nhà nước chỉ muốn thuận lợi cho mình, không cần biết thực tế DN sẽ phải gánh chịu hậu quả như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2008 đến nay.
Tổng cục Hải quan cho rằng, phí bảo lãnh không cao, DN có thể sử dụng L/C lô hàng kế tiếp làm tài sản ký cược bảo lãnh nên không phát sinh thêm tài sản ký quỹ. Nhưng các DN cho rằng, người soạn thảo không nắm thực tế. Không phải DN hoặc tất cả lô hàng đều dùng L/C làm phương thức thanh toán. Ngay cả ngân hàng chỉ chấp nhận cho DN dùng L/C ký bảo lãnh khi DN đã nộp đầy đủ bộ chứng từ xuất hàng hợp lệ và thời hạn mà DN phải hoàn trả số tiền vay cho ngân hàng trong 15 ngày (L/C trả ngay), cho nên, việc dùng L/C để bảo lãnh là không khả thi.
Hơn nữa, khi DN sử dụng thanh toán L/C thì ngân hàng xem đó như tài sản đảm bảo để tính vào hạn mức cho vay mà ngân hàng đã cấp cho DN. Tác động này sẽ làm hạn mức tín dụng của DN giảm 20%-40%, đồng nghĩa với kim ngạch xuất khẩu giảm tương ứng. DN sẽ bị mất nhiều hợp đồng, khách hàng.
Với phí bảo lãnh của ngân hàng là 2%-3%, cộng với lãi suất, làm chi phí sản xuất tăng lên 5%-10%. Dự kiến năm nay, các DN nhập khẩu khoảng 600 triệu USD nguyên liệu thủy sản với mức thuế bình quân là 20%, số thuế không được ân hạn là 120 triệu USD, ngân hàng tính phí bảo lãnh là 2,5%, tương ứng 3 triệu USD trong 12 tháng, cộng lãi suất 12%/năm thành 3,6 triệu USD, tương đương 70 tỷ đồng. Tác dụng dây chuyền là DN giảm nhập, giảm sản xuất, giảm lao động... Chưa nói, số nguyên liệu không nhập này sẽ chạy về các nước cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Theo Vasep, việc DN cố tình vi phạm có thể kiểm soát qua việc quản lý theo nguyên tắc luồng xanh - luồng đỏ như Bộ Tài chính đang áp dụng hoặc bổ sung các điều kiện khi DN được ân hạn thuế như có nhà máy và đủ điều kiện sản xuất, không nợ đọng thuế 2 năm… Khi cho ra một chính sách mới phải dựa trên thực tế, lắng nghe ý kiến của DN, không thể áp đặt.