TIN THỦY SẢN

Không nên nuôi rắn vua màu đỏ làm cảnh

Rắn sữa

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ có sở thích nuôi một loài rắn có tên là rắn sữa, với màu sắc rất đẹp. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có cảnh báo khác.

TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KH&CN Việt Nam) cho biết: Rắn sữa có tên khoa học là Lampropeltis triangulum (LACÉPÈDE, 1789). Do loài này có màu đỏ tươi nên tên tiếng Anh gọi là “Scarlet Kingsnake” (tức là “Rắn vua màu đỏ”).

Rắn sữa hiện có 25 phân loài phân bố ở Bắc và Trung Mỹ từ Canada qua Mỹ về phía nam tới tận Columbia, Venezuela và Ecuador. Loài này hiện chưa có tên trong danh sách các loài bị đe dọa ghi trong Danh lục Đỏ của IUCN (2012).

Loài rắn sữa không nguy hiểm đối với con người. Do có màu sắc sặc sỡ với các sọc ngang màu trắng hoặc kem, viền đen trên nền thân màu đỏ hoặc đỏ nâu nên chúng rất được ưa chuộng để nuôi làm cảnh ở nhiều nơi trên thế giới.

Chiều dài cơ thể của loài rắn này có thể đạt tới 150 cm, vảy nhẵn bóng. Rắn non thường ăn ốc sên, côn trùng, dế và giun đất; rắn trưởng thành thường ăn các loại ếch nhái, thằn lằn, chim nhỏ. Loài rắn này đẻ trứng, mỗi lần đẻ khoảng 10 trứng. Tuổi thọ của nó khoảng 12 năm.

Do đây là loài du nhập (ngoại lai), nên việc nuôi nhốt là không khuyến khích do rất dễ ảnh hưởng đến các loài phân bố trong tự nhiên của Việt Nam. Giống như trường hợp loài Rùa tai đỏ khi bị phát tán ra ngoài tự nhiên đã cạnh tranh sinh sống, nguồn thức ăn của các loài rùa khác và bị coi là một trong 100 loài ngoại lai nguy hiểm nhất.

Hơn nữa, về mặt hình thái loài này khá giống với các loài thuộc giống Rắn lá khô có tên khoa học là Sinomicrurus phân bố ở các khu vực miền núi của Việt Nam. Các loài rắn lá khô lại là rắn độc, do vậy nếu có sự nhầm lẫn thì có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Đất Việt