Không phóng sinh, nuôi, nhốt động vật hoang dã tại đền, chùa
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi công văn khuyến cáo tới gần 100 đền, chùa tại 37 tỉnh/thành trên cả nước cần dừng hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh động vật hoang dã tại đây.
Trong tháng 6/2020, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi công văn khuyến cáo tới gần 100 đền, chùa tại 37 tỉnh/thành trên cả nước đã từng ghi nhận có hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh động vật hoang dã tại đây.
Hoạt động này được thực hiện nhằm khuyến khích các đền chùa và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác sẽ tuân thủ các quy định pháp luật về động vật hoang dã cũng như hợp tác tuyên truyền cho phật tử và du khách về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường và các loài động vật hoang dã nhằm tạo ra giá trị nhân đạo từ những hành động thiết thực.
Lòng nhân đạo, tôn trọng và đề cao thiên nhiên từ lâu đã được coi là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam. Nét đẹp văn hóa này là nguyên tắc cơ bản trong suy nghĩa, hành động của nhiều người và cũng thường được thể hiện qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như phóng sinh tại các đền, chùa. Đáng tiếc, việc hiểu sai cách ý nghĩa và bản chất của hoạt động này đã dẫn đến một số hiện tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
Theo cơ sở dữ liệu của ENV, rùa và khỉ là hai nhóm loài động vật hoang dã được ghi nhận bị phóng sinh và nuôi nhốt nhiều nhất tại các đền, chùa và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác. Số lượng rùa nuôi nhốt thậm chí lên đến hàng trăm cá thể như trường hợp một ngôi chùa tại Sóc Trăng với khoảng 174 cá thể rùa trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ, rùa răng và cả rùa biển bị phát hiện vào cuối năm 2018.
Tất cả các loài động vật hoang dã đều được bảo vệ ở những cấp độ nhất định theo quy định của pháp luật, do đó, hoạt động nuôi nhốt các loài động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng hoặc xử lý hình sự lên đến 15 năm tù.
Cơ quan kiểm lâm tiếp nhận các cá thể rùa tại Sóc Trăng (Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng).
Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết của nhiều cá nhân về đặc tính sinh thái của các loài động vật hoang dã đã khiến một hành động “nhân đạo” lại gây ra những hệ quả phức tạp khôn lường. Không thiếu các trường hợp thả rùa biển, rùa cạn xuống ao, hồ, khiến những cá thể này không thể sống sót lâu dài. Một số loài khác như khỉ và vượn cũng bị nhốt trong chuồng cũi chật hẹp và ngột ngạt, khác xa so với môi trường sống tự nhiên của chúng, gây nên những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Nghiêm trọng hơn, nhu cầu mua động vật hoang dã để phóng sinh cũng vô tình tạo điều kiện thúc đẩy nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép phát triển. Ngày càng nhiều hơn những cá thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên trở thành mục tiêu của những kẻ săn bắt trái phép rồi bị mang đi bán tại các cơ sở tín ngưỡng để phục vụ cho mục đích “tạo phước” của một bộ phận người dân.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó GĐ ENV cho biết “Tập tục phóng sinh với ý nghĩa hành thiện tích đức, giải cứu và ban sự tự do cho các cá thể động vật đang gặp nạn là một hành động đáng trân trọng. Tuy nhiên, hành động này cần được thực hiện đúng cách, không nên chạy theo những giá trị phù phiếm, nhu cầu cá nhân mà thúc đẩy tình trạng mua, bán động vật hoang dã trái phép rồi phóng sinh tại các đền, chùa. ENV không khuyến khích hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh động vật hoang dã tại các đền, chùa và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác. Động vật hoang dã thuộc về tự nhiên! Các tốt nhất để bảo vệ động vật hoang dã là không nuôi nhốt, tiêu thụ hay mua bán động vật hoang dã để chúng được sống tự do trong môi trường thiên nhiên”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Những tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã chính là điều kiện thuận lợi khiến con người mắc phải nhiều loại virus nguy hiểm như HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS. Nguồn lây lan ban đầu của Covid-19 – đại dịch đang có ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới - cũng được xác định nhiều khả năng là từ động vật hoang dã. Việc nuôi nhốt động vật hoang dã tại chùa vì vậy cũng gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã cho con người.