Khung cửa tư pháp: Đắng lòng câu chuyện ngọc trai
Phiên tòa hình sự đã bước sang ngày thứ hai. Ngồi trong phiên tòa, thi thoảng sau những áp lực căng thẳng trong tranh luận, tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ, ngỡ ngàng nhìn những hạt mưa bắt chéo tung bọt trắng xóa sân tòa, không hiểu vì sao mưa trái mùa hay do lòng người đổi thay khó lường...
Cho đến tận bây giờ, ở xứ đảo ngọc trai nổi tiếng lôi cuốn cả những nhà đầu tư ngành trang sức ở nước ngoài đến với vùng biển phía nam, người ta cũng chưa biết rõ ai là người đầu tiên đưa việc nuôi trai cấy ngọc là một nghề. Chỉ khi tiếp ông tại văn phòng, rồi hai ngày qua lắng nghe những lời tâm sự ông trình bày tại phiên tòa, tôi biết được cách đây gần ba mươi năm, ông có thể là người đầu tiên lập nghiệp nuôi trai điệp xứ này.
Do có tay nghề từ trước giải phóng chuyên về tiện và sửa chữa máy tàu, ông thiết kế và cấu tạo những chiếc bè đầu tiên, nuôi trai sống để cấy ngọc, từ đó bắt đầu hợp tác, liên doanh với những công ty chuyên kinh doanh ngành trang sức ngọc trai của nước ngoài, hình thành nên doanh nghiệp có tên tuổi như ngày nay.
Ông kể với tôi, đầu năm 2000, họ hàng bên gia đình vợ ông cậy nhờ, năn nỉ vợ chồng ông cho vợ chồng người cháu từ một hòn đảo miền Trung đói nghèo được vào trông coi bè cho ông để có công ăn việc làm, thêm thu nhập chữa bệnh.
Từ quan hệ họ hàng huyết thống, ông không tiếc công làm một chiếc bè nuôi trai cấy ngọc, rồi bày cho người cháu khi thu mua biết phân biệt trai chết hay trai còn sống, làm sao biết thiết kế các lồng nuôi trai, nhìn con nước và lưu lượng cát chảy bên dưới mà đặt lồng sao cho trai nằm giữa dòng tảo qua để ăn mà không bị chết.
Từ chỗ chỉ là người làm thuê, người cháu được ông chỉ bảo về cách thức kinh doanh, được tính “ăn chênh lệch đầu kilôgram” thay vì trả lương để có thu nhập. Đó là chưa kể người cháu còn được hưởng lợi từ việc thu mua, nuôi cá và các dịch vụ cung cấp hải sản khác…
Câu chuyện tình huyết thống và nghĩa cử đầy lòng nhân của vợ chồng ông bỗng chốc trở thành tai họa, khi vào cuối năm 2009, do có nhu cầu lấy lại chiếc bè mà người cháu đang trông giữ, điện thoại liên lạc, thậm chí con gái ông còn đến nhà gặp cháu dâu, nhưng không liên lạc được. Xuất phát từ suy nghĩ chiếc bè do mình làm ra nên ông cùng mấy người bà con và ngư dân đến kéo chiếc bè về khu vực bãi nuôi trai của gia đình mình.
Ngay sau đó, người cháu báo mất chiếc bè và làm đơn tố cáo ông về hành vi “trộm cắp tài sản”. Ban đầu, các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện đảo đã thẩm tra kỹ lưỡng các chứng cứ, lời trình bày của các bên và cá nhân có liên quan, thấy rõ không có dấu hiệu phạm tội hình sự, nên đã ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự từ cách đây 2 năm 8 tháng. Quyết định giải quyết khiếu nại cho người tố cáo còn nêu rõ:
“Qua kết quả điều tra tài sản bị mất không xác định được chủ sở hữu là của ông, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện đã mời đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân huyện để thống nhất biện pháp xử lý. Kết quả cuộc họp đi đến thống nhất là hành vi không cấu thành tội phạm hình sự... Do đó, Cơ quan CSĐT - Công an huyện ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự”.
Diễn biến tố tụng bất ngờ chuyển sang khúc quanh mới khi người cháu khiếu nại, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh dựa trên báo cáo đề xuất của liên ngành, cho rằng hành vi của ông là trái pháp luật, chiếm giữ trái phép tài sản người khác và khi thực hiện hành vi thì lén lút với chủ sở hữu.
Từ đó, vụ án được khởi tố lại và cuối cùng ông phải nhận mức án sơ thẩm 12 tháng cải tạo không giam giữ, bồi thường giá trị chiếc bè và số điệp được coi là neo trên bè cho người bị hại… Trong suốt quá trình diễn biến phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, hai bên luật sư tranh luận hết mình, nhưng có những điểm vướng mắc chưa được làm rõ về bản chất sự thật khách quan của vụ án.
Đó là chiếc bè bị coi là đối tượng bị trộm cắp có thuộc sở hữu của người bị hại không, vì người bị hại là người được ông thuê làm công trên bè nuôi điệp lấy ngọc trai, khai chiếc bè đã được ông bán lại vào đầu năm 2001 với giá 5 triệu đồng nhưng không có tài liệu nào chứng minh. Lời trình bày của đội trưởng thuế liên xã tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy khi thu thuế vào năm 2007, người cháu vẫn khẳng định chiếc bè là của ông, sau này đến 2010 khi vụ án đã xảy ra, người cháu mới đi khai thuế môn bài cho mình, đóng lùi lại năm 2009.
Đó là chưa kể, do không có số điệp bị thu giữ nên quá trình thẩm định giá điệp theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm tính xác thực của các số liệu và căn cứ thẩm định giá… Mặc dù các luật sư bào chữa đã hết lòng trình bày, chứng minh cả về hành vi khách quan, nhận thức chủ quan ông không phạm tội, nhưng tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định y án sơ thẩm.
Rời khỏi phiên tòa, trong tôi dường như không thoát ra được cảm giác khi bất chợt nhớ đến lời ông kể về sự kỳ công của hạt ngọc được tích tụ qua thời gian nhiều năm trời, trong đó có công đoạn “cấy nhân” cho các con trai nhằm kích thích chúng sản sinh ngọc. Hạt ngọc được cấy trong con trai như tấm chân tình của ông dành cho người cháu nay trước phiên tòa, tất cả bỗng như đổ vỡ theo thời gian, lưu dấu câu chuyện đắng lòng ngọc trai…