TIN THỦY SẢN

Kiểm soát chặt thủy sản xuất khẩu

Cá tra giống là một trong những khâu quan trọng quyết định đến chất lượng cá thương phẩm Ảnh: THỐT NỐT Ng.Ánh

Việc kiểm soát chất lượng thủy sản không chỉ nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu mà trước hết là bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, một số thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam liên tục đưa ra cảnh báo về một số lô hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Liên tục vi phạm

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương thông báo nhận được Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil về việc Bộ Nông nghiệp Brazil ra Thông tư số 537 quyết định dừng nhập khẩu cá tra của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Tây (West Vina) Việt Nam. Lý do là doanh nghiệp (DN) này đã vi phạm trong việc thay đổi các thành phần lý - hóa trong sản phẩm phi lê cá tra, ba sa đông lạnh.

Ngoài ra, liên quan đến sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Brazil còn có 3 công ty nằm trong danh sách các DN quốc tế bị giám sát đặc biệt, gồm: Tập đoàn Hasa Seafood Corporation, Công ty liên doanh Mekong Fisheries Joint Stock Company và Tập đoàn Hùng Vương.

Tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho biết tính đến tháng 9, đã có 11 lô thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Trong khi cả năm 2015, chỉ có 5 lô thủy sản bị cảnh báo tương tự, tăng gấp 2,2 lần.

Tại thị trường Hàn Quốc, tôm đông lạnh Việt Nam cũng bị kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh Nitrofurans (mức giới hạn: không cho phép) với tần suất 10% số lô trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-2016. Riêng DN đã có lô phát hiện vi phạm là Công ty TNHH một thành viên Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Ngô Bros bị kiểm từng lô (100%).

Chỉ có thị trường Nhật Bản được cải thiện khi nước này thông báo từ giữa tháng 9-2016, giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh Chloramphenicol (CAP) đối với lô hàng tôm và sản phẩm tôm giảm từ 100% còn 30%. Lý do, kết quả kiểm tra các lô tôm nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua không phát hiện chỉ tiêu này.

Phải sạch từ khi thả nuôi

Trước tình hình trên, đầu tháng 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm. Đây là mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam với mục tiêu chung là bảo đảm sản phẩm tôm an toàn cho người tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2017 sẽ giảm 50% tỉ lệ mẫu tôm vi phạm, giảm 50% số lô tôm xuất khẩu bị nước ngoài cảnh báo so với năm 2016 để tạo đà đến hết năm 2018 cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong kinh doanh tôm.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho rằng để kiểm soát chất lượng đầu vào, người nuôi cá phải biết chọn con giống tốt, sạch bệnh do các trung tâm giống có uy tín và được nhà nước quản lý chứ không nên thu mua trôi nổi bên ngoài. Bước kế tiếp là người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình theo hướng dẫn của ngành chức năng trong việc ghi nhật ký về lượng thức ăn, lượng cá hao hụt từng ngày.

Những ai chưa có tay nghề thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các kỹ sư chuyên về thủy sản để theo dõi, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc kháng sinh đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục cấm. Ngay cả khi con cá bị nhiễm bệnh cũng không được tùy tiện đi mua thuốc về điều trị mà phải theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

“Hiện nay, hầu hết người nuôi cá tra đều có thể thực hiện theo các mô hình về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc truy xuất nguồn gốc như VietGAP, GlobalGAP hay ASC để đáp ứng đòi hỏi của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Chúng tôi xác định đây là bổn phận của người nuôi vì nếu không làm như thế thì chẳng còn ai dám mua cá của mình nữa” - ông Nguyên khẳng định.

PSG-TS Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng Khoa Công nghệ Trường ĐH Cần Thơ, cho biết với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phải kiểm soát chất lượng vùng nuôi ngay trước khi thả nuôi con giống chứ không phải đợi đến lúc chế biến hay xuất khẩu mới làm. Hiện nay, Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện nghiên cứu quan trắc môi trường và đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau với kinh phí khoảng 1,8 tỉ đồng thực hiện quan trắc môi trường nước tại 2-3 ao nuôi tôm.

“Khi quan trắc, nếu môi trường nước có độc tố hay thay đổi gì là hệ thống tự động báo về cho chúng tôi biết, sau đó chúng tôi báo cho nông dân để họ can thiệp kịp thời. Còn đối với việc một số người bơm tạp chất vào sản phẩm, ở đây cụ thể là con tôm, thì nó mang tính chất đạo đức kinh doanh. Chính quyền cần có chế tài để đủ răn đe nhằm giáo dục trong cộng đồng. Có như vậy mới mong nâng chất lượng cho ngành tôm” - ông Ngôn nêu.

Cũng theo ông Nguyên, để cá tra xuất khẩu không bị trả lại vì rào cản kỹ thuật, còn nhiều yếu tố khác, như khâu vận chuyển cá cho đến chế biến. Chỉ riêng khâu vận chuyển cũng làm người nuôi và cả DN dễ bị thua lỗ nếu để cá bị trầy xước hoặc chết. Hiện các DN cũng chỉ vận chuyển cá bằng ghe đục để giảm thất thoát trong khâu này.

“Nói chung là người nuôi cá tra như chúng tôi đều phải thực hiện theo quy trình của nhà nước. Tuy nhiên, cái khó là đối với con cá tra thì mình không thể biết được nó đang bị “nhức đầu” hay “nóng lạnh”. DN thì tin tưởng người nuôi nên cũng chỉ bắt chừng chục con trong số cả triệu con trong ao đi xét nghiệm kháng sinh nên rất dễ dẫn đến sơ suất. Từ đó, mới có chuyện nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về là do khâu kiểm tra, kiểm soát không chặt chẽ” - ông Nguyên nói.

EU không hạ hàng rào kỹ thuật

Trả lời báo chí tại TP HCM nhân chuyến công tác ở Việt Nam đầu tháng 11, người đứng đầu ngành nông nghiệp EU, ông Phil Hogan, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn EU, khẳng định sẽ không bao giờ hạ hàng rào kỹ thuật trước câu hỏi về tình trạng số lô nông sản - thực phẩm (trong đó có thủy sản) Việt Nam bị EU cảnh báo, thậm chí là trả về. “Không chỉ Việt Nam mà bất cứ hàng từ nước nào không đáp ứng được yêu cầu của EU đều bị trả về. Hiện nay, không chỉ người tiêu dùng EU muốn nâng cao tiêu chuẩn chất lượng mà người tiêu dùng Việt Nam cũng mong muốn điều này. EU sẽ không hạ chuẩn nhưng có thể hợp tác chia sẻ công nghệ với Việt Nam để nâng cao chất lượng nông sản - thực phẩm” - ông Phil Hogan nhấn mạnh. 

Ng.Ánh Người lao động