Kinh hãi hải sản để cả năm vẫn "vô tư"
Không có mùi thơm đặc trưng, những loại thủy hải sản khô bày bán tại chợ Đồng Xuân có mùi hắc rất khó chịu. Tất cả đều "vô tư" hạn sử dụng...
Trời càng lạnh bán càng "chạy"
Mùa hè nóng bức, các đại lý, cửa hàng bán buôn thủy sản khô tại Đồng Xuân, Long Biên luôn ở trong tình trạng ế ẩm, lượng hàng hóa được bán rất ít thì vào mùa đông là thời điểm nhộn nhịp nhất. Mỗi ngày, số lượng tiêu thụ của các điểm bán buôn này thường từ vài chục kg đến vài tạ.
Chủ kiốt bán buôn đồ hải sản khô tại cổng chợ Đồng Xuân, cho biết: “Mùa đông là mùa người ta hay ăn đồ khô nên các mặt hàng này được bán rất chạy. Chỗ tôi chỉ bán buôn. Có ngày chúng tôi phải thuê thêm vài người để đóng hàng cho khách”.
Theo các tiểu thương, do giá cả các mặt hàng đều tăng nên các mặt hàng thủy hải sản khô cũng tăng theo. Cụ thể, cá mực ngon có giá giá bán dao động từ 400.000 – 650.000 đồng/kg. Cá chỉ vàng ngon có giá bán 220.000 đồng/kg. Các loại cá khô thông dụng khác có giá bán thấp hơn. Cá nục hấp có giá 80.000 đồng/kg, cá bống: 90.000 đồng/kg, cá chi 80.000 đồng/kg, cá hồng 95.000 đồng/kg, cá mai 105.000 đồng/kg…
Các loại tôm khô có giá bán dao động từ 150.000 – 650.000 đồng/kg. Cụ thể tôm nõn loại 1 có giá 650.000 đồng/kg, tôm nõn loại 2,3 có giá bán dao động từ 300.000 – 650.000 đồng/kg tùy loại. Tôm moi được bán với giá 150.000 đồng/kg, tôm đồng 270.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ áp dụng đối với các khách quen, những người mua hàng từ 1kg trở lên.
Bên cạnh đó, mùa đông cũng là thời điểm lượng thực phẩm cung cấp cho người dân miền núi ít nên người dân quay sang ăn thực phẩm khô. Hơn nữa, các mặt hàng này thường để được lâu, dễ chế biến, bảo quản nên thường được mua nhiều. Chị Dung (Yên Bái) cho biết: “ Mùa này, người dân miền núi rất chuộng cá khô vì giá cả phải chăng lại dễ ăn. Thực phẩm trên đấy đắt đỏ, khan hiếm nên người dân chọn thủy sản khô là chủ yếu”.
Đối với người dân thành phố, đây cũng là thời điểm mọi người kéo nhau đi ăn đồ nướng nhiều nên các mặt hàng “ăn chơi” như mực khô, cá chỉ vàng… được bán với số lượng hơn hẳn những ngày hè vừa qua.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại các quầy thực phẩm khô chủ yếu được để trong những hộp carton, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tại các chợ dân sinh, thực phẩm khô lại thường được để trong những túi nilon lớn và bày bán.
Khi được hỏi về nguồn gốc mặt hàng này, các chủ cửa hàng đều khẳng định lấy hàng từ Thanh Hóa hoặc Thái Bình, Nam Định… và tỏ ra rất khó chịu.
Để cả năm vẫn "vô tư"
Hầu hết thực phẩm khô ở chợ Đồng Xuân đều được bày bán không được che đậy, nên rất nhiều ruồi nhặng bay đến rất mất vệ sinh.
Trong vai một người đi nhập hàng về bán ở quê, PV hỏi một chủ kiot trong chợ Đồng Xuân về hạn bảo quản của các loại thủy hải sản khô này để có kế hoạch mua số lượng hợp lí thì chị chủ kiot phẩy tay "Ôi trời, em cứ để vô tư cả năm cũng không hỏng. Cứ lấy cả tạ về mà bán dần. Nếu bị mốc thì e đem ra rửa rồi phơi hay sấy khô lên là lại ngon lành ngay...".
Theo quan sát của PV, một số loại cá khô như: cá ruội, bống không có mùi tanh hoặc mùi thơm của nắng mà lại hơi ẩm ướt, có mùi hơi hắc rất khó chịu của chất bảo quản hay một chất hóa học nào đó. Các chủ cửa hàng khẳng định, đó là cá được phơi khô quá nên mới có mùi như thế!?
Cá khô ở chợ Đồng Xuân để cả năm vẫn "vô tư"
Anh Quang Thực, một người chuyên chế biến cá khô tại Quảng Ninh cho biết: " Thông thường cá khô chỉ để được lâu nhất là 3 tháng nếu thời tiết khô thoáng. Nếu trời ẩm, mưa nhiều thì chỉ được 1 tháng là "kịch kim"...".
Theo các bác sỹ, thực tế các loại động vật khi chết sau một giờ đã bị phân hủy, đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (thường xuất hiện với cá biển), nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng cho rằng, ngay cả đối với những hóa chất được dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm do Bộ Y tế cấp phép cũng vẫn phải khống chế hàm lượng. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư.
Tuy nhiên, thực tế khi các sản phẩm tôm, cá kém chất lượng, thì nhà sản xuất phải cho nhiều chất bảo quản nếu không khó có thể giữ được sản phẩm trong một thời gian dài và gây nhiều bệnh tật về lâu về dài cho người sử dụng.