Kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa hiệu quả
Nuôi tôm càng xanh dưới tán dừa ở Bến Tre là một hướng đi sáng tạo và hiệu quả dù nơi này là vùng nước lợ, khi mặn khi ngọt.
Đây là mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa của ông Nguyễn Văn Đoàn, theo ông cây dừa có thể sống tốt trong điều kiện hạn mặn, còn con tôm càng xanh cũng chịu đựng được độ mặn đến gần 10 phần ngàn cao hơn hẳn nhiều loại thủy sản khác.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Thới Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre cho biết: "Trước đây tôi nuôi cá, nhưng do điều kiện vùng mặn lợ nên hiệu quả kinh tế không cao, bây giờ tôi chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Lúc đầu mới chuyển đổi thì còn gặp phải khó khăn nhưng sau đó do áp dụng khoa học kỹ thuật mới, khi tôm được ương 3 tháng tuổi, đực cái tách riêng không cho nuôi chung thì hiệu quả kinh tế mới cao."
Năm 2016 lần đầu tiên nguồn nước địa phương vượt ngưỡng 15‰ nhưng nhờ chủ động trữ nước kiểm soát tốt độ mặn trong mương nên tôm vẫn cho kết quả tốt. Một trong những kinh nghiệm của ông là trực tiếp nềm thử trước khi đưa nước vào mương.
Ông Toàn chia sẻ: "Vào mùa nước mặn mình phải trĩ cống trĩ bọng, cho nước mặn rịn dần cho tôm quen dần từ 0‰ đến 1,2,3,4,5‰ rồi tôm sẽ thuần dần, chứ nếu đưa tôm trực tiếp vào độ mặn 9‰ là tôm bỏ ăn liền."
Lần bán tôm gần nhất ông Đoàn thu được hơn 120 triệu đồng từ 400kg tôm thương phẩm đó là chưa kể nguồn lợi nhuận thu được từ cây dừa. Cũng bởi sau mỗi vụ nuôi tôm ông thường ngồi đúc kết kinh nghiệm và cải tiến quy trình nuôi nên năng suất và hiệu quả ngày càng cao.
Ông Đoàn cũng là người đứng ra vận động bà con tham gia tổ hợp tác để cùng nuôi tôm và có đầu ra ổn định hơn. Hiện nay đã chuyển thành HTX với gần 40 xã viên. Ông Đoàn cho hay: "Lợi ích khi vào HTX là người có kỹ thuật cao hỗ trợ người chưa có kỹ thuật, người chưa có vốn sẽ được người có vốn mạnh hỗ trợ bằng nguồn vốn cá nhân từ đó những người tham gia HTX không còn người nằm trong diện nghèo."
Theo các nhà khoa học, nhiễm mặn là quá trình không thể đảo ngược được ở ĐBSCL nên đây sẽ là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thay vì tiêu tốn tiền bạc và công sức để ngăn mặn, chống mặn, các địa phương trong vùng nên có giải pháp thích nghi và phát triển bền vững, thuận theo tự nhiên. Đây là hướng đi có thể sẽ giúp cho đồng bằng sông Cửu Long chuyển hướng để phát triển bền vững hơn.