Kinh nghiệm nuôi tôm vụ 1: Quản lý tốt mật độ nuôi và chất lượng nước
Nuôi tôm vụ 1 năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, tôm chậm lớn, một số diện tích bị dịch bệnh. Thế nhưng vẫn có những hộ đạt năng suất cao từ áp dụng quy trình nuôi tôm VietGAP. Bài học kinh nghiệm được đúc rút là quản lý tốt mật độ nuôi và chất lượng nguồn nước.
Thời tiết diễn biến khác thường, đặc biệt nắng gay gắt kéo dài đã khiến người nuôi tôm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, nắng nóng trên 390C, nhiệt độ nước ao nuôi tăng cao nên môi trường nuôi biến động, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm và một số bệnh dịch phát triển. Mặt khác, giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm giảm mạnh, trong khi giá vật tư đầu vào cho nuôi tôm tăng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Vụ 1/2015, gia đình ông Hồ Đình Thắng ở xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu - Nghệ An) nuôi 1,7 ha tôm, với 1,5 triệu con giống thả nuôi trong 5 ao. Ông Thắng chia sẻ: “Giống của Công ty CP đạt 80% có thu hoạch, còn 30 vạn giống của Công ty Việt Úc sau khi thả được 45 ngày thì tôm bị bệnh, gia đình thu hoạch được 1,8 tấn bán được hơn 90 triệu đồng vừa đủ bù tiền giống và thức ăn, còn lỗ tiền thuốc, điện, thuê công nhân. Riêng 3 ao thả 1,2 triệu con giống của Công ty CP cho thu hoạch 7,4 tấn, bán được gần 900 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí đầu vào còn lãi ròng hơn 300 triệu đồng. Kiên trì nuôi tôm 15 năm nay ở vùng đất này, vụ 1 vừa qua tuy không đạt như kỳ vọng, nhưng cũng là vụ nuôi đem lại lợi nhuận cao cho gia đình tôi”.
Không phải ai cũng may mắn như ông Hồ Đình Thắng, gia đình ông Trương Hồng Quang ở xóm Quyết Tiến - xã Quỳnh Bảng nuôi gần 1 ha tôm tại khu vực của HTX Lộc Thủy. Với 3 ao nuôi, ông thả 61 vạn giống, vụ 1 vừa qua thời tiết nắng nóng bất lợi dẫn đến tôm bị nhiều bệnh như gan tụy, đốm trắng, phân trắng mặc dù gia đình chăm sóc cẩn thận nhưng sau khi thả được 32 ngày, tôm bị bệnh gan tụy mất trắng 36 vạn giống, gia đình phải tiêu hủy dập dịch, lỗ 150 triệu đồng. Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm nhiều nhất huyện Quỳnh Lưu với 186 ha, người dân nơi đây có kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm, hạ tầng ao nuôi được đầu tư đồng bộ, đảm bảo. Cùng với quá trình phát triển mạnh của nghề nuôi tôm trên địa bàn, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở ương gièo giống, đáp ứng nhu cầu giống, thuận lợi cho bà con thả đại trà kịp thời vụ, không còn tình trạng khan hiếm giống vào dịp cao điểm của mùa vụ như các năm trước. Tuy nhiên, vụ 1 năm nay, tổng sản lượng thu hoạch của toàn xã Quỳnh Bảng chỉ đạt 350 tấn, bằng 50% sản lượng cùng kỳ năm 2014. Không chỉ giảm sản lượng, năm nay, tôm thương phẩm cũng rớt giá, thời điểm thấp nhất giá chỉ bằng 2/3 năm 2014. Riêng 100 ha vùng nuôi tôm công nghiệp của xã, tỷ lệ có lãi và hòa vốn đạt 60%, còn 40% lỗ vốn.
Theo Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng: “Việc quản lý giống của cơ quan chức năng chưa tốt, chưa đủ nhân lực để kiểm tra, kiểm soát nguồn giống cung ứng trên địa bàn. Trong khi đó người nuôi chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình khi nhập giống về, vẫn còn chủ quan, có những lúc còn xem nhẹ khâu mua giống. Cùng với đó, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nặng, hướng xử lý nạo vét sông Mai Giang vẫn chưa thực hiện được. Dự án lấy hệ thống nước biển trực tiếp vào khu vực nuôi đã có khảo sát thiết kế nhưng chưa triển khai. Người nuôi tôm địa phương rất mong đợi vào dự án này, bởi lâu nay vẫn phải lấy nước từ sông Mai Giang vào ao nuôi, trong khi đó, nguồn nước thải từ các ao đầm cũng xả ra đó”.
Vụ 1/2015, toàn huyện Quỳnh Lưu nuôi 465 ha tôm, tổng sản lượng thu hoạch 1.515 tấn, năng suất bình quân đạt 3,2 tấn/ha. Theo ông Bùi Xuân Trúc, cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Nông nghiệp huyện, sản lượng thu hoạch tôm vụ 1 tương đối khá, nhưng giá năm nay thấp hơn năm ngoái, tại thời điểm chính vụ bà con chỉ bán được 80.000 - 90.000 đồng/kg nên lãi ít. Toàn huyện có 7,63 ha tôm bị bệnh đốm trắng và gan tụy; hơn 12 ha bị bệnh về môi trường do nắng nóng phải tiêu hủy tôm.
Còn ở Diễn Châu, toàn huyện thả nuôi 126 ha tôm vụ 1, đến ngày 7/7 trên địa bàn huyện xảy ra dịch bệnh với diện tích 12,48 ha ở các xã Diễn Trung, Diễn Vạn, Diễn Kỷ, chủ yếu do tôm bị dịch hội chứng hoại tử gan tụy cấp. Người chăn nuôi đã rắc vôi quanh bờ đầm tôm bị bệnh, cổng ra vào khu vực nuôi, tiêu hủy tôm đảm bảo quy trình, không gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi chung của địa phương. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích nuôi tôm vụ 1 toàn tỉnh là 1.320 ha, bằng 100% kế hoạch. Nhìn chung các địa phương triển khai mùa vụ đúng theo lịch của ngành thông báo. Theo đánh giá của nhiều người nuôi, năm nay, các hộ nuôi mua tôm giống của các công ty CP, Nam miền Trung tốc độ phát triển bằng mức trung bình nhiều năm trước, sau thời gian nuôi 60 ngày tôm đạt kích cỡ 80 - 100 con/kg. Nhưng tôm giống của một số đơn vị cung ứng khác có tốc độ phát triển chậm, nhiều hộ nuôi tôm 60 ngày chỉ đạt 200 - 250 con/kg. Sản lượng thu hoạch đến hết tháng 8 ước đạt 3.405 tấn, bằng 57% kế hoạch, bằng 99% so cùng kỳ. Theo thống kê của Chi cục Thú y nắm bắt tại địa bàn, diện tích nuôi tôm có dấu hiệu bị bệnh trên toàn tỉnh là 77,2 ha. Năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng bình quân 3,5 tấn/ha (tính theo mặt nước nuôi). Một khó khăn nữa đối với người nuôi tôm năm nay là đầu ra không ổn định, biến động theo hướng giảm, trong khi giá vật tư đầu vào tăng, mặt khác, tôm nuôi bị bệnh, các tư thương ép giá nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Được sự hỗ trợ từ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát bền vững (CRSD), từ năm 2013 - 2015, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đã xây dựng thành công vùng nuôi tôm thẻ chân trắng quy trình VietGAP (mỗi vùng được hỗ trợ 4 - 5 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng) trên địa bàn các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu); Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) và Diễn Trung (Diễn Châu) với tổng diện tích 220 ha... Tại các vùng nuôi này, tôm thả mật độ thưa, quản lý tốt nguồn nước và thức ăn nên người nuôi có thu hoạch khá.
Nhìn chung nuôi tôm vụ 1, tính bình diện chung cả tỉnh bị thất bát nhưng các vùng nuôi vẫn giữ nghề, người dân lại tiếp tục cải tạo ao đầm, chuẩn bị thả nuôi vụ 2. Để vụ 2 thắng lợi, người nuôi tôm cần chọn nguồn tôm giống chất lượng, uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trước khi thả tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn... giữa trại giống và ao nuôi. Nếu có sự khác biệt phải điều chỉnh để tránh sốc cho tôm giống. Tránh thả tôm khi trời nắng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời mưa. Nên thả giống mật độ thưa hơn chính vụ. Cụ thể 50 - 60 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng và 10 - 15 con/m2 đối với tôm sú. Các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, chú ý đến các yếu tố hay bị biến động như nhiệt độ, ôxy, pH... để điều chỉnh các yếu tố này thích hợp với tôm nuôi và khoảng dao động cho phép, không gây sốc đối với tôm.