TIN THỦY SẢN

Kỳ vọng vào những tín hiệu mới

Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm sú. Ảnh: Đ.Mũi PH.THỊ - NG.PHÚ

Trong khi một số doanh nghiệp không tìm được khách hàng và bế tắc trong việc thâm nhập các thị trường lớn thì một số khác lại không sản xuất kịp vì số lượng đơn đặt hàng đổ về quá nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất giữa các nhóm doanh nghiệp này chính là việc chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới về tiêu chuẩn nuôi và chế biến các mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng này.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013 sẽ là năm nhiều khó khăn với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nào cũng gặp khó mà thực tế cho thấy thị trường xuất khẩu thủy sản hiện nay đang trong tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”...

Đạt chuẩn quốc tế

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản đạt các tiêu chí đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ASC, Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), GAP (thực hành nông nghiệp tốt)… thường nhận được các đơn hàng lớn hơn, giá bán cao hơn, thậm chí là cao hơn 15%-20% so với giá bán thông thường. Trong khi các doanh nghiệp không có các chứng nhận kể trên thường phải chật vật xoay sở tìm đối tác.

Đầu năm 2013, Việt Nam có thêm 5 doanh nghiệp cá tra đạt chứng nhận thủy sản bền vững từ Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Như vậy, theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 13 doanh nghiệp được cấp chứng nhận ASC. Trong đó có 5 trại nuôi cá tra ở Đồng Tháp, 4 trại ở Tiền Giang, 2 trại ở An Giang và 2 trại ở Cần Thơ.

Ngoài ra, 5 trại nuôi cá tra khác đang trong quá trình được thẩm định để nhận giấy chứng nhận ASC. ASC là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, bao gồm các vấn đề về môi trường, xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, kiểm soát ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất.

Bên cạnh đó, ASC còn đặt ra yêu cầu về một vấn đề khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam là trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh, thường được gọi chung là trách nhiệm xã hội. Chứng nhận ASC giúp nhà sản xuất đảm bảo với nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm và người mua rằng sản phẩm có nguồn gốc từ nhà sản xuất có trách nhiệm. Việc các doanh nghiệp kể trên đạt được giấy chứng nhận ASC là điều đáng mừng vì nó cho thấy các doanh nghiệp đã chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu để đảm bảo sự bền vững của chính doanh nghiệp mình.

Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc đạt chứng nhận ASC càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi đây được coi là một trong những “giấy thông hành” cần thiết để các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể vững bước vào các thị trường lớn và khó tính trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Nỗ lực từ địa phương

Theo nhận định của ngành chức năng, nếu có sự nỗ lực và hỗ trợ lẫn nhau của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm thì mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này là không khó. Tuy rào cản thương mại hiện là một thách thức lớn nhưng theo ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), khó khăn này có thể vượt qua nếu có quyết tâm cao. Đặc biệt, đối với việc quản lý và sử dụng những chất kháng sinh cấm ngoài danh mục cho phép. Đồng thời, khuyến khích nông dân nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Xây dựng những mô hình nuôi tôm kiểu mẫu về liên kết 4 nhà để nhân rộng ra nhiều địa phương.

Là một trong những người nuôi tôm khá thành công trong nhiều năm qua, ông Trần Văn Bảy, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, chia sẻ, yếu tố giống được xem là quan trọng hàng đầu. Khi chọn được con giống có chất lượng, căn cứ theo lịch thời vụ, chọn đúng thời điểm thả con giống; nuôi tôm đúng theo quy trình kỹ thuật; trong quản lý sức khỏe tôm chú trọng tăng cường sức đề kháng tôm là sẽ có vụ nuôi thành công.

Bước sang vụ nuôi tôm năm 2013, Cà Mau đang có nhiều quyết tâm nhằm giúp nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, nhiều chính sách hỗ trợ nghề nuôi đã được triển khai. Hình thức liên kết 4 nhà trong nuôi tôm đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt cũng như việc đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện 3 pha cho vùng nuôi tôm công nghiệp đang được quan tâm thực hiện… Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản tiếp tục kiện toàn lại bộ máy, đầu tư nâng chất thiết bị, giảm thiểu chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngành chức năng tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở sản xuất con giống.

Tại Bạc Liêu, để ứng phó với biến động giảm về thị trường truyền thống EU, Mỹ trong xuất khẩu thủy sản, 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ở các thị trường mới thuộc các nước châu Á. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác tiếp thị và đưa sản phẩm giới thiệu ở nhiều thị trường này và đẩy mạnh xuất khẩu ở thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, đồng thời tiếp tục đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến hàng thủy sản có giá trị gia tăng cao, sản xuất hàng tinh chế đưa thẳng ra siêu thị của đối tác thay dần cho việc xuất thô nguyên liệu như lâu nay trong chế biến xuất khẩu.

Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu về đào tạo nghề, đầu tư công nghệ sản xuất mới, Sở Công thương Bạc Liêu còn kết hợp với ngành nông nghiệp phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung cho chế biến. Đồng thời kết hợp với ngành điện ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu, không để xảy ra tình trạng mất điện làm ảnh hưởng đến sản xuất.

PH.THỊ - NG.PHÚ SGGP