Lạc quan xuất khẩu tôm những tháng cuối năm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu tôm các loại đạt 798,07 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu tôm vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm
Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 440,9 triệu USD, giảm 9,4%; giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 259,5 triệu USD, tăng 43%; còn lại là các loại tôm khác.
Những tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến hết sức phức tạp, sản lượng tôm thu hoạch thấp dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Trong sáu tháng đầu năm 2012, diện tích tôm thiệt hại là 38.381 ha, trong đó tôm sú là 35.823 ha, còn lại tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân chính gây bệnh vẫn chưa được xác định, gây khó khăn cho công tác dập dịch.
Trước tình hình dịch bệnh đe dọa vùng nuôi tôm, tại Hội nghị toàn thể hội viên VASEP, ông Hồ Quốc Lực, Phó Chủ tịch VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản sớm có giải pháp giải quyết tình trạng dịch bệnh trên tôm, bởi nếu tình tình này kéo dài sẽ dẫn đến tê liệt cả chuỗi nuôi và chế biến tôm xuất khẩu.
Ông Lực cho biết, hiện các yếu tố đầu vào như nhiên liệu, vật tư, nhân công, chi phí kiểm tra đều tăng mạnh, tỷ giá USD ở thế bất lợi,… khiến giá thành sản xuất tôm Việt Nam rất cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu hiện nay vẫn là vấn đề thiếu nguyên liệu.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính tôm Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn. Tại thị trường EU, sức tiêu thụ chưa được cải thiện nhiều nên giá trị xuất khẩu sang thị trường này liên tục giảm, xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng có xu hướng “thụt lùi” trong những tháng gần đây, thị trường tôm Nhật Bản khả quan nhưng lại vướng rào cản mới.
Trước tình hình đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Trong năm tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt 62,7 triệu USD, tăng 25,3%; sang Australia đạt hơn 35 triệu USD, tăng 60%; sang Thụy Sĩ đạt 16 triệu USD, tăng 17,2%...
Ngoài ra, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chào bán tôm với giá thấp hơn giá thành sản xuất nhưng các nhà nhập khẩu tôm vẫn thờ ơ. Trong khi đó, doanh nghiệp phải thu mua nguyên liệu rất khó khăn, thậm chí phải nâng giá mua bằng giá chào bán. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá tôm nguyên liệu trong nước quá đắt, xuất phát từ chi phí sản xuất quá cao.
Theo thông tin dự báo từ VASEP, nghề nuôi tôm tại Thái Lan, một số nước ở Châu Á và Trung, Nam Mỹ sẽ trúng lớn trong năm 2012 với sản lượng tôm sẽ tăng 10-20% so với năm trước do chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng. Trong khi đó, tiêu thụ tôm tại một số thị trường chủ yếu như Trung Quốc, Châu Âu giảm nên lượng tôm này chủ yếu được đưa vào Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Mỹ cũng có xu hướng tiêu thụ chậm lại, giá giảm trong thời gian gần đây.
Trước những diễn biến của thị trường, xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm có thể nói là rất khó khăn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn lạc quan với dự báo khả năng phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu tôm trong quý III, vì đây là vụ thu hoạch tôm chính, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ bớt căng thẳng hơn.