TIN THỦY SẢN

Làm nông chuyên nghiệp

Nông dân hay doanh nghiệp cũng đều phải thích nghi với cơ chế thị trường, nhưng thích nghi những cái tốt chứ không phải thích nghi những cái xấu để hại người hại mình. Hình minh họa. Phi Tiêu

“Cho tui mượn cái mic không dây, nói cho thoải mái coi”, ông bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan mở đầu bài nói chuyện trước các nông dân giỏi tỉnh mình như vậy, rồi tay cầm micro, mắt nhìn bao quát hội trường như tìm người quen.

Ở đây có ông Bảy, à kia có ông Tư… Có anh Ba Hải ở đây không? Ảnh mới là nông dân chuyên nghiệp, tay nào cũng sạm cứng…

Chủ đề nói chuyện của ông là Nông dân chuyên nghiệp, vậy mà mới mào đầu, ông bảo: Tôi trăn trở lắm, vì tui đâu phải là nông dân thứ thiệt. Nhà tui hồi trước có ba cây xoài, sau một thời gian nghiên cứu ứng dụng khoa học đủ thứ, giờ còn một cây thôi…

Thế rồi, ông cho chiếu lên màn hình những video ngắn về làm nông chuyên nghiệp là gì. Tổng cộng bốn đoạn, một là Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự, hai là của VinEco hợp tác với nông dân ở Vĩnh Thới, Lai Vung. Hai video kia, một là về thanh long ở Bình Thuận, một là về trồng lúa ở Nhật Bản.

Chiếu cái video của ông Võ Như Triều ở Bình Thuận, một người nông dân giỏi, vượt qua những rào cản từ thủ tục đến ngôn ngữ, tự mình mày mò và xuất khẩu thanh long ra nước ngoài, ông Hoan bảo: Tôi xem đi xem lại nhiều lần, thuộc cả lời thoại. Hay nhất là câu của ông Triều: “Nếu không thay đổi là chết. Không thể ngồi đó mà chờ chết”.

Những câu chuyện được ông dẫn dắt từ quê nhà cho đến thế giới để nói rằng làm nông chuyên nghiệp giờ cũng phải coi thị trường ra sao, bán cái thị trường cần chứ không phải đi bán cái mình có. Vậy thị trường cần gì?

Ông kể chuyện mình đi Thái, vô thăm vườn thanh long, thấy người dân xứ này trồng “trái gì mà nhỏ xíu”. Ông Hoan bảo: “Tui chê dở ẹc. Qua Việt Nam đi, tui dẫn ra Bình Thuận coi trồng thanh long là thế nào”. Vậy mà, người nông dân Thái trả lời: “Ấy là ông không biết đó thôi. Thực ra, vợ tui quê Long An, lấy giống cây bên đó về đây trồng đấy. Nhưng đem xuất khẩu, thì bên nhập khẩu bảo: Tui không cần trái to quá, một người ăn không hết. Tui chỉ cần trái nhỏ, vừa, một người ăn hết một lần. Vậy là phải nhờ các nhà khoa học nghiên cứu làm cho trái nhỏ lại thôi”. Ông Hoan lại thăm vườn khóm, ăn thử, thấy chua quá, lại “nổi máu” bảo: “Sao không qua Việt Nam mà học trồng khóm to, trái ngọt ngay”. Người trồng khóm lại trả lời: “Tụi tui lấy giống Việt Nam về trồng đấy, nhưng khi xuất khẩu, người tiêu dùng bảo ngọt quá, họ ăn sợ bị tiểu đường, thế là đi nhờ các nhà khoa học làm cho chua lại”.

Ông Lê Minh Hoan kết luận: Chúng ta làm nông ở đây rất dễ rơi vào cái bẫy: sản phẩm đối với chúng ta là tốt, nhưng thị trường lại cần cái khác.

Không phải là nông dân thứ thiệt nên ông Hoan bèn mượn lời của ông Bảy Hiệp, một người trồng xoài hữu cơ ở Đồng Tháp “nói lại với bà con”: “Ông Bảy Hiệp nói như vầy: Tui hay nói với bà con là mình bán cho doanh nghiệp thì mình phải hiểu doanh nghiệp mua họ bán lại thì họ phải chịu trách nhiệm sản phẩm đó. Vậy mình bán cho doanh nghiệp, siêu thị… thì mình cũng phải chịu trách nhiệm với siêu thị, với người mua. Đó mới là chuyên nghiệp”.

 

Phi Tiêu TGTT