TIN THỦY SẢN

Làng cá Sông Ðốc (Cà Mau) làm giàu từ nghề biển

Sản phẩm thu được sau mỗi chuyến đi biển thắng lợi. Ngọc Quân

Thị trấn Sông Ðốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) những ngày cận Tết, trúng mùa, sản phẩm bán được giá, ngư dân ngập tràn niềm vui. Ði dọc dài phố chợ của thị trấn, trên bến dưới thuyền tất bật lo "hậu cần" cho những con tàu chuẩn bị ra khơi, bám biển với nguyện ước một chuyến thuận buồm xuôi gió, trúng đậm mùa vụ.

Niềm vui trúng mùa

Cuối tháng 12-2012, cư dân làng cá Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tràn đầy niềm vui khi thị trấn Sông Ðốc được Bộ xây dựng quyết định công nhận là đô thị loại bốn. Trở lại thị trấn Sông Ðốc những ngày đầu năm Quý Tỵ, chúng tôi cảm nhận và sẻ chia cùng ngư dân ở đây với niềm lạc quan hơn, khi trúng đậm vụ khai thác biển, trúng giá tiêu thụ sản phẩm vào dịp Tết này.

Ông Trần Minh Ðặng ở khóm 7, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: Gia đình ông có hai tàu hành nghề câu mực, mỗi tàu có công suất 130 CV. Với mỗi chuyến đi biển từ 15 đến 20 ngày, từ đầu năm 2013 đến nay, ông Ðặng đã thu lãi gần 200 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí. Trúng mùa, sản phẩm bán được giá, năm vừa qua, ông Ðặng đầu tư gần một tỷ đồng đóng mới phương tiện có công suất 130 CV để tiếp tục hành nghề. Những đoàn tàu đầy cá tôm rẽ sóng vào bờ mang theo niềm vui của ngư dân sau những ngày lênh đênh trên biển. Không giấu được niềm vui khi đoàn tàu gồm ba chiếc của mình đầy ắp tôm cá, ông Trần Văn Ðáng, khóm 3, thị trấn Sông Ðốc phấn khởi khoe: Ðoàn tàu của ông hơn tháng nay liên tiếp trúng đậm hơn 30 tấn cá, tôm, trừ chi phí, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ðáng mừng là không chỉ trúng mùa, khi tàu vừa vào bờ là thương lái đã có mặt thu mua hết ngay sản phẩm, không xảy ra tình trạng thương lái chèn ép giá như trước. Trúng mùa khai thác, chủ tàu và ngư dân cùng sẻ chia niềm vui và đón Tết sung túc hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong những chuyến đi biển vừa qua, bình quân mỗi thuyền viên trên tàu được nhận từ 10 đến 15 triệu đồng. Trong niềm vui trúng mùa, ngư dân thị trấn Sông Ðốc đón Tết Quý Tỵ an lành và sung túc hơn.

Trưởng Ban nhân dân khóm 7, thị trấn Sông Ðốc Ðào Thanh Khởi cho biết: Khóm 7 có hơn 70 phương tiện khai thác biển, chủ yếu làm nghề câu mực. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, ngư dân ở đây trúng mùa; bình quân thu lãi từ 70 đến 80 triệu/phương tiện/chuyến biển. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, thường là vào dịp cận và sau Tết Nguyên đán, vùng biển tây nam lặng sóng là mùa hội tụ của các loài tôm, cá... Tranh thủ thời vụ này, nhiều ngư dân ở đây dồn sức ngay từ đầu năm để sản xuất, khai thác với những chuyến đi biển ăn chắc, trúng đậm. Phấn khởi nhất là từ năm 2012 đến nay, giá sản phẩm ở đây luôn duy trì ở mức cao, nhất là giá mực tươi từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg; mực khô từ 400 đến 420 nghìn/kg. Ngày nay, việc nắm giá cả lên xuống hằng ngày ngay trên biển không phải là việc khó. Qua hệ thống thông tin liên lạc, hằng ngày các phương tiện được cập nhật, thông báo giá cả sản phẩm và theo đó có thể quyết định việc chế biến mực khô ngay trên tàu hoặc ướp muối dự trữ sản phẩm đưa vào bờ để bán được giá hơn.

Ra khơi bám biển

Trưởng Ban thủy sản thị trấn Sông Ðốc Ðoàn Thanh Mỹ cho biết: Toàn thị trấn hiện có gần 1.300 tàu, trong đó hơn 800 phương tiện công suất lớn đủ khả năng hoạt động khai thác dài ngày trên biển. Những ngày cận Tết Nguyên đán này đã có hơn 85% số tàu ra khơi bám biển hoạt động sản xuất khai thác. Người lao động đi biển không được nghỉ trong dịp Tết đã được các chủ phương tiện chăm lo về quà, tiền công, tiền thưởng. Hiện nay, ở thị trấn Sông Ðốc có gần 60 tàu chuyên làm nghề dịch vụ hậu cận phục vụ cho các tàu trong thời gian hoạt động khai thác vài ngày trên biển, nhất là số tàu hoạt động 4-5 tháng liền trên biển mà không vào bờ. Tàu dịch vụ có thể cung cấp ngư lưới cụ, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nước đá muôí ướp và thu mua sản phẩm ngay trên biển hoặc hợp đồng vận chuyển thuê theo yêu cầu của các chủ tàu cá ở đất liền, nhất là số tàu bám biển và đón Tết Quý Tỵ trên biển. Cách làm này đã giúp số đông ngư dân Sông Ðốc tiết kiệm xăng, dầu... giảm chi phí đáng kể trong quá trình khai thác đánh bắt, giúp bám biển dài ngày và khai thác hiệu quả hơn; giữ vững được sản xuất ổn định. Mặt khác, do ưu đãi của thiên nhiên nên những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, sản lượng khai thác đạt rất cao, tăng gấp 3-4 lần so với trước, từ đó tạo được niềm tin cho bà con phấn khởi yêu nghề, bám biển dài ngày.

Thị trấn Sông Ðốc nằm ở vùng biển tây thuộc huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ở đây, vào dịp hết con nước khai biển bình quân có từ 1 đến 1,5 nghìn tàu của các địa phương ngoài tỉnh vào cập bến. Bí thư Ðảng ủy thị trấn Sông Ðốc Trần Quốc Văn, nêu một vài con số khá ấn tượng: Năm 2012, thị trấn Sông Ðốc đạt sản lượng khai thác thủy sản gần 119 nghìn tấn, tăng hơn 20 nghìn tấn so với năm 2011. Ðể đạt được mục tiêu này, Sông Ðốc đã chú trọng việc tổ chức lại cơ cấu sản xuất nghề biển, trước hết giảm dần tình trạng khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hiệu quả kém; khuyến khích ngư dân bám biển, đẩy mạnh sản xuất, khai thác xa bờ gắn với cơ cấu phát triển các nghề chính như lưới bao, lưới dây, câu mực. Theo tính toán của nhiều ngư dân, hiện nay bình quân chi phí cho một chuyến biển tăng từ 30 đến 40%; nhưng bù lại ngư dân thị trấn Sông Ðốc đã khai thác liên tục trúng mùa, giá sản phẩm ổn định ở mức khá cao, cho nên nghề khai thác biển được duy trì, phát huy lợi thế tiềm năng kinh tế biển ở đây. Từ đó, kéo theo sự phát triển, mở mang nhanh chóng các ngành nghề sản xuất kinh doanh sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, dịch vụ cung cấp ngư lưới cụ, xăng dầu, hình thành cụm kinh tế - kỹ thuật với các nhà máy chế biến tôm, bột cá xuất khẩu, sản xuất nước đá với quy mô, công suất lớn, thu hút và tạo việc làm ổn định cho đông đảo người dân, góp phần nâng cao vai trò dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ tại Cà Mau.

Năm 2012, được sự trợ giúp của cơ quan chức năng, Sông Ðốc đã mở hơn 20 lớp dạy và truyền nghề cho lao động là thuyền trưởng, máy trưởng; nghề khai thác biển; phòng tránh thiên tai... cho hơn 1.000 lao động đi biển. Tuy nhiên, ngư dân Sông Ðốc rất cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và các cơ quan quản lý, trước hết đối với những chủ phương tiện còn nhiều khó khăn về tổ chức lại sản xuất, đào tạo tay nghề cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ, vài ngày trên biển; nâng cao khả năng chủ động cảnh báo, phòng tránh thiên tai... Tổ chức các tổ, đội tàu liên kết vừa sản xuất, vừa tham gia gìn giữ, bảo đảm an ninh, chủ quyền tại vùng biển, đảo tây nam; tuyên truyền việc nâng cao ý thức chấp hành những quy định khi hoạt động trên biển, nhất là không vi phạm đánh bắt tại ngư trường của các nước vùng biển lân cận.

Chiều xuống dần trên cửa biển Sông Ðốc. Sắc Xuân đã đến sớm và mang theo vị mặn mòi của miền biển. Từng đoàn tàu đánh cá của ngư dân tất bật về bến, tàu rẽ sóng ra khơi, bám biển và làm giàu từ nghề biển.

Ngọc Quân Báo Nhân Dân