TIN THỦY SẢN

Lũ kém… nhưng cá nhiều

Mỗi ngày gia đình ông Hải thu được từ 400-500 kg cá, chủ yếu là cá linh để bán cho bạn hàng.

Theo nhiều ngư dân sống khu vực đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc các huyện An Phú, thị xã Tân Châu (An Giang), năm nay nước bạn Campuchia thực hiện việc xả lô định kì hai năm một lần, chính quyền địa phương bên đó cũng ngăn cấm không cho ngư dân trong và ngoài nước thuê diện tích mặt nước bắt cá như năm trước. Vì thế mà lượng cá linh, cá tạp đầu mùa tràn về Việt Nam nhiều vô kể...

Lũ năm nay chưa lớn, người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản dọc tuyến biên giới Tây Nam  phấn khởi và kỳ vọng một mùa cá bội thu. Ông Nguyễn Phú Hải (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) vui vẻ cho biết, tuy nước lũ năm nay lên hơi chậm so với cùng kỳ, nhưng lượng cá linh đầu mùa đổ về nhiều gấp rưỡi so với năm 2011 và gấp 5-6 lần so với 3 năm về trước. Gia đình ông may mắn lắm mới đấu thầu với giá gần 500 triệu đồng để đóng đáy khai thác cá trúng đường ven hạng nhất, nằm ngay đoạn đầu trên sông Châu Đốc (một nhánh sông Hậu). Với số tiền bỏ ra đấu thầu như thế không có gì lo ngại. Bởi với 3 miệng đáy của ông hứng trung bình mỗi ngày khoảng 400 kg cá các loại, chủ yếu là cá linh. Với giá cá linh bán tại chỗ hiện đang ở mức 20.000 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí như tiền xăng, tiền nhân công, mỗi ngày ông Hải vẫn còn thu về trên trên 4 triệu đồng.

Ông Hải cho chúng tôi xuống xuồng máy ra giữa dòng sông để cảm nhận cảm giác bềnh bồng trên sông nước và tận mắt chứng kiến cảnh khai thác cá linh mùa nước nổi. Chiếc xuồng máy vừa tấp vào túi đáy đầu tiên, 4 anh em nhân công nâng túi đáy từ từ lên mặt nước. Ông Hải thốt lên: “Cái túi này chắc được khoảng 50 cân”. Sau khi vận chuyển vào bờ để cân cho các bạn hàng đang chờ, ông Hải cho hay, khi nào nước lũ tràn đồng thì dân nghèo mới có thể bắt được cá linh bằng cách đặt dớn. Còn những người đánh bắt cá trên sông bằng đáy thì cần phải có số vốn lớn, có thể lên đến cả tỉ đồng. Theo thiết kế, miệng đáy được đặt sát mép nước và sâu khoảng 5m. Túi đáy dài khoảng 60m có thể chứa từ 500-600 kg cá. Những ngày cá chạy nhiều, cứ 20 phút đổ đáy 1 lần và làm liên tục trong 24 giờ. Mỗi lượt đi đổ đáy cần đến 4-5 người.

Anh Toàn, một người làm công cho biết: “Cá linh đầu mùa thường chạy theo luồng chứ không đợi đến việc trời mưa hay nắng. Những năm trước đây, nếu trúng một luồng cá là đã đầy túi, đổ không kịp có thể cả giàn đáy bị nước lũ cuốn trôi. Chuyện đó bây giờ rất khó diễn ra vì lượng cá ngày càng ít. Cứ mỗi ngày hứng được cỡ 500 kg là tốt lắm rồi”.

Cũng trên đoạn sông này, ông Nguyễn Văn Sến, một ngư dân cho biết: Do năm nay thiếu kinh phí nên ông chỉ trúng thầu được đường ven hạng II với giá 200 triệu đồng theo quy định của Phòng Tài chính huyện An Phú. Do đó, giàn đáy của ông Sến phải chịu lùi về phía hạ nguồn khoảng 2km. Ông Sến nói: “Công việc đấu thầu đóng đáy được bắt đầu từ tháng 5 âm lịch. Tuy nhiên, đến tháng 7 thì cán bộ thủy sản và chính quyền địa phương mới có thông báo cho phép khai thác, nhưng lúc này cá chạy cũng ít lắm”. Đến nay, cả 3 miệng đáy của ông Sến mỗi ngày thu được vài trăm cân cá linh và một ít cá tạp. Tuy nhiên, nhờ năm nay giá cá tương đối cao nên ông Sến cũng yên tâm, vì thời gian khai thác còn khá dài. Chẳng hạn như vào thời điểm này năm trước, mỗi kg cá linh chỉ khoảng 12.000 đồng thì nay lên 20.000 đồng. “Tôi đang trông đợi vào 2 con nước mùng 10 và 25-8 (âm lịch). Lúc đó, giá cá tuy có rẻ hơn bây giờ nhưng bù lại nhờ bắt được với số lượng lớn. Chừng đó, mỗi ngày cả 3 miệng đáy này có thể hứng không dưới tấn cá”- ông Sến kỳ vọng.

Đặc biệt, bước sang tháng 9, tháng 10, giàn đáy không chỉ bắt cá linh mà còn thêm tôm, cá khác có giá trị hơn. Thời điểm đó, cả đoạn sông này nhộn nhịp bởi ghe của bạn hàng từ Châu Đốc, Tri Tôn (An Giang) hoặc Vĩnh Điều, Giang Thành (Kiên Giang) về đây cân cá để chở đi nơi khác tiêu thụ.

“Cá linh lúc đó giá rẻ chỉ có vài ngàn đồng/kg. Người ta mua về chủ yếu ướp muối rồi cho vào lu, khạp ủ lấy nước mắm ăn suốt năm. Quan trọng nhất của chủ đáy là hứng tôm, cá trèn, cá kết hay cá chạch lấu bán mới có giá. Đặc biệt là tôm càng, tôm trứng mỗi đêm khoảng 300 kg, kiếm được trên chục triệu đồng”- ông  Nguyễn Phú Hải phấn khởi nói.

Trong giờ giải lao chờ luồng cá mới đổ về, ông Sến cho biết thêm, cái nghề này không nặng nhọc như bao nhiêu nghề khác nhưng mọi người phải có sức bền để có thể thức thâm đêm suốt sáng. Để lưới thông, cá chạy nhiều, khoảng 4 giờ đồng hồ, 8 nhân công hợp sức dùng thanh tre đập mành lưới cho thật sạch rong rêu, rác rưởi. Đặc biệt, khi phát hiện có lục bình tấp vào là phải đẩy ra khỏi miệng đáy, nếu không lũ cuốn trôi cả đáy.

CAND