Luật Nông trại Hoa Kỳ sẽ tác động trực tiếp đến ngư dân
Theo Luật Nông trại Hoa Kỳ (Fam Bill), từ tháng 9-2017, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ kiểm tra 100% sản phẩm nhập khẩu vào nước này (chứ không phải 1% như Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra trước đây). Sản phẩm nhập vào thị trường Mỹ sẽ áp dụng kỹ thuật sản xuất “tương đồng” mà USDA ban hành. Như vậy, cá tra của ngư dân An Giang muốn vào Mỹ phải đi qua “cánh cửa hẹp”. Làm thế nào để vượt qua khó khăn này là vấn đề cần được quan tâm.
“Cửa hẹp”
Đăm chiêu nhìn cơ ngơi nuôi cá tra của mình trong gần 20 năm qua, ông Trần Văn Hoàn (ngư dân (ND) xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) vô cùng lo lắng, không biết kể từ tháng 9-2017 trở đi, trang trại của ông có còn nuôi được cá tra để cung cấp cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu sang Mỹ hay không? Vì kể từ thời gian này, cá da trơn Việt Nam khi vào Mỹ sẽ phải đáp ứng “tiêu chuẩn tương đồng” với các nông trại tại quốc gia nhập khẩu (từ quy trình sản xuất đến đóng gói và xuất khẩu sản phẩm). Nếu sản lượng nuôi bị “khống chế” thì không biết đến bao giờ, gia đình ông mới thanh toán hết món nợ trên 20 tỷ đồng mà ông đã vay ngân hàng để nuôi cá trong những năm qua. Lo lắng của ông Hoàn là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, từ năm 2007 đến nay, nhiều ND ở ĐBSCL tập trung tất cả các nguồn lực để đầu tư cho trang trại với quy mô lớn, nuôi cá xuất vào thị trường Mỹ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Nay, nếu việc nuôi cá để xuất vào Hoa Kỳ bị “khống chế” về sản lượng thì những trang trại được hình thành để nuôi cá tra xuất vào thị trường Mỹ có còn tồn tại. Như vậy, số tiền vay của các ngân hàng sẽ trả bằng cách nào? “Từ trước đến nay, mỗi năm tôi nuôi khoảng 1.000 tấn cá tra, bán cho các công ty như Vĩnh Hoàn, Biển Đông để xuất vào Mỹ. Một trong những tiêu chuẩn bắt buộc (phải có) khi nuôi là tiêu chuẩn SQF 1000 CM. Nay, tôi nghe nói phải áp dụng tiêu chuẩn BAP và nhiều tiêu chuẩn mang tính tương đồng khác. Vậy những tiêu chuẩn tương đồng khác là gì thì chưa biết nên rất lo ” – ông Hoàn chia sẻ. Ở An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, ông Hoàn là một trong hàng ngàn hộ ngư dân nuôi cá để xuất khẩu sang Mỹ.
Để vượt qua…
Từ năm 1996 đến nay, nhờ xuất vào thị trường Mỹ mà sản lượng cũng như diện tích nuôi cá tra của ngư dân mới phát triển nhanh (trên 5.000 héc-ta). Đây là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Nếu năm 2007, Mỹ nhập khẩu cá da trơn với sản lượng hơn 60 triệu pao thì đến năm 2012, con số này tăng lên 213,8 triệu pao, tăng 255% so với trước. Giá bán 1 kg file cho thị trường Mỹ bình quân 3,4 USD/kg. Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt kim ngạch hơn 326 triệu USD, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2012, chiếm 22,7% trên tổng thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam. Nếu trước đây, FDA chỉ kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các nhà xuất khẩu, nhập khẩu thì nay họ kiểm tra luôn vùng nuôi. Như vậy, kể từ tháng 3-2016, tất cả các loài cá thuộc họ Siluriformes (gồm cá da trơn và cá tra của Việt Nam) sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của USDA. Họ sẽ kiểm tra gắt gao hơn, nhằm khống chế sản lượng vào Hoa Kỳ. “Theo tôi, đây cũng là cơ hội để chúng ta sắp xếp lại nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu theo hướng cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại số lượng trang trại nuôi. Tôi luôn tự tin, nếu sản phẩm chúng ta nuôi đạt chất lượng, doanh nghiệp chế biến luôn nghĩ đến người tiêu dùng, từ đó làm ra sản phẩm thực sự chất lượng thì thị trường nào chúng ta cũng có thể xuất khẩu được” – ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, khẳng định.
Con giống cũng vào quy trình giám sát của USDA
Giá xuất sản phẩm file cá tra vào Mỹ lúc nào cũng cao hơn các thị trường khác, điều này đã khiến cho doanh nghiệp xem đây là thị trường số 1. Song, khi hàng rào kỹ thuật thứ 2 được dựng lên, để vượt qua nó thì rất cần sự “đồng thuận” của các bên tham gia vào chuỗi sản xuất. Cụ thể, đó là sự liên kết giữa nhà máy với nhà máy (liên kết ngang); giữa nhà máy và ngư dân (liên kết dọc). Ở đó, chúng ta sẽ cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, thị trường sản xuất nguyên liệu phù hợp với nhu cầu để sản phẩm đi qua được cánh “cửa hẹp” vào thị trường Mỹ. Sản xuất cá tra ngày nay cần nghĩ đến nhiều hơn nữa những vấn đề như sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sinh thái để hướng đến một nền sản xuất mang tính bền vững, góp sức cùng thế giới chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra.
“Mục đích cuối cùng của Luật Nông trại Hoa Kỳ năm 2014 là nhằm khống chế sản lượng cá tra Việt Nam khi xuất vào thị trường Mỹ. Đây được xem là rào cản kỹ thuật thứ 2, sau việc Mỹ áp thuế bán chống phá giá cá tra Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Vì vậy, cần có một “nhạc trưởng” để điều hành vấn đề này… ” – ông Lê Chí Bình, Ủy viên Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề xuất.