TIN THỦY SẢN

Mùa nuôi tôm “nóng”

Nỗi lo của huyện Phong Điền khi nuôi tôm vào vụ nóng

Nắng nóng, nhiều ao hồ nuôi tôm chân trắng trên cát bỏ không. Những hộ dân đã thả nuôi đang nơm nớp âu lo vì nguy cơ dịch bệnh.

Hồ tôm bỏ không gây lãng phí

Ông Trương Công Lợi ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải chia sẻ: “Nếu nuôi tôm vào mùa hè không bị dịch bệnh thì mỗi năm nuôi được ba vụ. Kinh nghiệm cho thấy, tôm nuôi vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 7 thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ nên người dân không dám nuôi. Thời tiết nắng nóng làm nhiệt độ nguồn nước trong ao tăng cao, tôm chậm phát triển, sức đề kháng kém là nguyên nhân xảy ra các loại dịch bệnh. Quá trình vận chuyển đường xa trong điều kiện thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn giống, tôm con bị yếu, giảm sức đề kháng…”.

Một số hộ táo bạo thả nuôi ngay sau khi thu hoạch vụ tôm đầu năm, nhưng vẫn nơm nớp âu lo. Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải lo lắng: “Các vụ ít hộ nuôi thường bán được giá, lãi cao nhưng thời tiết nắng nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ ngày thả nuôi đến nay hơn 10 ngày, tôm đang phát triển nhưng đêm nào cũng trằn trọc vì lo dịch bệnh”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải- Nguyễn Văn Tưởng thông tin, đến nay trên địa bàn xã mới chỉ vài hộ thả nuôi 3-4 ao trong tổng số diện tích trên 70 ha do người nuôi lo ngại nguy cơ dịch bệnh, rủi ro. Chính quyền địa phương không khuyến khích nuôi tôm vào thời điểm này bằng mọi giá. Tuy nhiên, để tránh lãng phí ao hồ, các ban ngành chức năng cần nghiên cứu, giúp người dân có thể thả nuôi được trong mùa nắng nóng nhằm phát huy tối đa tiềm năng và tăng thu nhập.

Trong quy hoạch diện tích ao hồ nuôi tôm trên cát ở huyện Phong Điền đến năm 2020 có đến 900 ha. Việc bỏ không hồ tôm gây lãng phí tiềm năng cũng là trăn trở của lãnh đạo huyện Phong Điền. Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ, lãnh đạo huyện đã làm việc với ngành nông nghiệp, đang tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp nuôi tôm trên cát vào mùa nắng nóng để hạn chế lãng phí tiềm năng.

Lo thời tiết thất thường

Trong khi diện tích trên cát không thể thả nuôi thì nuôi tôm đầm phá, xen ghép đến thời điểm này cơ bản hoàn thành việc xuống giống với diện tích khoảng 6.500 ha. Ông Nguyễn Văn Xuân ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cho hay: “Đến nay môi trường nước trong các ao nuôi ở đầm phá bắt đầu ổn định, nhiều hộ tiến hành thả nuôi vụ mới. Điều mà bà con lo lắng là thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt dễ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh”.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, mùa nắng nóng, thời tiết thường diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệt độ tăng cao, buổi sáng có sương mù, nhưng chiều, tối xuất hiện mưa giông. Kể cả nuôi tôm trên cát và đầm phá, trước hết phải duy trì mực nước trong hồ trên 1 mét để hạn chế, chống nóng cho tôm và các loại thủy sản. Các ao nuôi có độ sâu thì phải thường xuyên sục khí, tránh hiện tượng trong ao nuôi bị phân tầng và xử lý tốt khí độc. Tùy thuộc vào “độ tuổi” của tôm và các loại thủy sản để điều phối lượng thức ăn hợp lý, không dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước trong ao. Sau các trận mưa giông phải kiểm tra môi trường nước, tăng cường sục khí, thay bớt nước ở tầng mặt, ổn định độ PH và kiềm cho ao hồ.Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho rằng, mùa nắng nóng, nhiệt độ nguồn nước trong các ao hồ nuôi tôm trên đầm phá không căng thẳng như vùng cát, nhưng người dân cũng cần nắm bắt và chấp hành đúng các quy trình kỹ thuật, quy định của cơ quan chức năng trong quá trình nuôi tôm cũng như thủy sản trên đầm phá.

Ông Đức cảnh báo, cần tăng cường các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho thủy sản, khi xảy ra dịch bệnh phải báo với chính quyền địa phương, không xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Đối với cá trắm cỏ, diêu hồng nuôi bằng lồng, cần đề phòng và có biện pháp phòng trừ bệnh đốm đỏ, xuất huyết. Bà con trộn thêm vitamin C, E và men vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Khi phát hiện có dấu hiệu dịch bệnh cần tách các lồng cá bị bệnh ra xa lồng cá còn khỏe mạnh, tránh lây lan…

Báo Thừa Thiên Huế