TIN THỦY SẢN

Nam Định “được mùa” thi đua lao động sáng tạo

Anh Hoàng Thanh Dương và con cá trắm đen nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

Cái tên gắn chặt lấy cái nghề! Mọi người vẫn nói về GĐ Cty TNHH cơ khí Đình Mộc (xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường) như vậy.

Là bởi, anh họ Đinh, tên Mộc (Đinh Xuân Mộc), lại làm nghề cơ khí chế tạo máy sản xuất chế biến gỗ. Với sản phẩm mang tên “máy phay mộc đa năng”, tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua trong CNVCLĐ năm 2012 của LĐLĐ Nam Định tổ chức ngày 1.3, anh vinh dự được nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN.

Những sáng tạo từ thực tế

Anh Mộc khởi nghiệp với cửa hàng bán đồ điện, nhì nhằng được vài năm, rồi... thất bát. Năm 1995, anh mở một xưởng cơ khí nhỏ, đến năm 2003, anh “nâng cấp” thành Cty TNHH cơ khí Đình Mộc, chuyên sản xuất máy chế biến gỗ. Qua quá trình chế tạo, anh nhận thấy, đối với máy phay, rất bất tiện khi một lúc chỉ có thể phay được 1 kiểu, ví dụ đang phay hèm thì không thể phay bỏ mộng được, mà phải dừng lại thay lưỡi phay. Anh nghĩ mình phải làm loại máy có thể phay nhiều kiểu liên tục, kết hợp nhiều động tác với nhau, không phải dừng lại thay lưỡi thì rất thuận tiện!

Bắt tay thực thi ý tưởng, anh đã mất nửa năm để nghiên cứu với nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhưng cuối cùng, sản phẩm “máy phay mộc đa năng” đã ra đời. Với loại máy này, làm một sản phẩm chỉ hết khoảng 8-10 phút, trong khi kiểu máy “truyền thống” mất đến 1 tiếng.

Anh Hoàng Thanh Dương (SN 1982) - một cán bộ trẻ tại Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Nam Định, người cũng được trao bằng sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam - có một sáng tạo nghe khá lạ, đó là “quy trình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống”. Chia sẻ về đề tài của mình, anh cho biết, muốn có 1 tấn cá trắm đen thì phải “tiêu tốn” hết 25-30 tấn ốc. Và với con số này, lượng chất thải xuống đáy ao là 29 tấn, gây ô nhiễm môi trường và tốn nhiều tiền để làm sạch. Năm 2010, anh nghĩ đến việc làm cách nào để nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp. Sau nhiều lần thất bại, anh đã tìm được một cách. Đó là bỏ đói cá trắm đen 3 ngày, sau đó, thả thêm cá chép lai cùng cỡ (vì cá chép lai cùng có tập tính ăn ở đáy ao, nhưng rất phàm ăn, nên khi thả cám ở mặt nước là lên ăn luôn), “dụ” cá trắm đen cùng lên ăn. Sau 15 ngày, cá trắm đen lên ăn đồng đều thì sẽ chuyển chúng sang ao to hơn, đồng thời thả cám viên cho cá trắm đen ăn. “Với cách nuôi này, để đạt 1kg cá trắm đen chỉ cần 3kg cám viên.

Không bỏ sót bất kỳ sáng tạo nào!

Những sáng tạo của anh Mộc, anh Dương có điểm chung là bắt nguồn từ thực tế. Những sáng tạo này đã đóng góp cho phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” của LĐLĐ Nam Định trong năm vừa qua thêm sôi nổi, thiết thực. Theo LĐLĐ tỉnh, trong năm 2013, tỉnh đã phát huy được trên 4.000 đề tài, nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi nhiều tỉ đồng. LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở KHCN xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh cho 57 tác giả...

Đến dự và phát biểu tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua trong CNVCLĐ năm 2012, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Hoàng Ngọc Thanh nhấn mạnh, trong phong trào “Lao động sáng tạo”, các cấp CĐ phải biết chắt chiu, trân trọng, không bỏ sót những sáng kiến, sáng tạo dù là nhỏ nhất từ CNVCLĐ để có sự động viên, khích lệ kịp thời. Ông nói: “Có thể chưa phải là sáng kiến mà chỉ là đề xuất nhưng chúng ta vẫn phải trân trọng, có đánh giá đúng mức, không bỏ sót”.

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua trong CNVCLĐ năm 2012, ông Triệu Công Điền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định - đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba; tập thể thường trực LĐLĐ tỉnh Nam Định và tập thể lãnh đạo LĐLĐ huyện Ý Yên vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tại hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã trao bằng lao động sáng tạo cho 18 cá nhân ; trao bằng khen toàn diện cho 10 tập thể; trao bằng khen toàn diện và chuyên đề của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho 9 tập thể và 10 cá nhân....

 

Lao động