TIN THỦY SẢN

Nản lòng với con tôm càng xanh

Nuôi tôm càng xanh từng là ngành giúp người dân Tam Nông đổi đời Lâm Trọng Nghĩa

Từng được mệnh danh là “thủ phủ” tôm càng xanh của ĐBSCL, vào thời kỳ hoàng kim, diện tích nuôi của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lên đến hơn 800ha. Thế nhưng...

Không ít nông dân huyện vùng sâu đã đổi đời nhờ nuôi loại thủy sản này, người nào nuôi ít cũng có thu nhập hơn trăm triệu mỗi năm, hộ nuôi nhiều thì có vài trăm triệu là không khó.

Thế nhưng, bây giờ đặt chân đến xã Phú Thành B - một trong những xã từng có diện tích nuôi tôm càng xanh nhiều nhất của huyện sẽ rất khó để tìm được hộ nào vẫn nuôi loài thủy sản này. Toàn huyện hiện chỉ có 9,1ha với 4 hộ nuôi, mùa vụ thả nuôi chính trong năm đang đến gần, nhưng với diễn biến hiện tại có thể dự đoán lại một năm nữa người dân Tam Nông quay lưng với tôm càng xanh.

Diện tích nuôi tôm càng xanh bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm từ năm 2012, tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương kết hợp với quyết tâm của người nuôi, phong trào vẫn được giữ vững trong những năm tiếp theo. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, số lượng người nuôi trong toàn huyện chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đây là những hộ nuôi vẫn rất “tâm huyết” với con tôm với hy vọng “thời hoàng kim” sẽ quay trở lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên có thể kể đến ba nguyên nhân chính như sau:

* Con giống: Với đặc thù nuôi tôm càng xanh mùa lũ, nông dân thường tận dụng những diện tích đất đã canh tác một vụ lúa để nuôi tôm khi lũ về. Vì vậy diện tích nuôi thường rất lớn, trung bình mỗi hộ nuôi từ 2 - 5ha, hộ nuôi nhiều có thể lên đến hơn chục ha.

Việc thả nuôi mang tính thời vụ (chờ lũ gần về mới bắt đầu thả giống) với diện tích lớn, nhu cầu con giống cho toàn vùng là rất lớn. Trong khi đó huyện lại không có trại giống tại chỗ, hầu hết nguồn con giống đều được cung cấp thông qua các trại giống từ địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Vì cung không đủ cầu đã dẫn đến tình trạng các trại giống chạy theo nhu cầu thị trường, không chú trọng quản lý chặt chẽ nguồn gốc tôm bố mẹ, chất lượng con giống ngày càng suy giảm.

Về phía hộ nuôi, niềm tin về chất lượng được trao trọn cho các cơ sở sản xuất giống, với họ việc có được một “mẻ” giống để thả nuôi đúng thời vụ đã là chuyện may mắn lắm rồi. Như vậy, người nào may mắn thì nuôi mẻ tôm có tỷ lệ sống cao, tôm mau lớn, thu được lợi nhuận, người nào mua nhầm con giống “trôi nổi” thì tôm chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao, không có lãi, thậm chí còn thua lỗ.

Đó là còn chưa nói đến hàng loạt loại giống được mang danh là xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… với giá cao hơn giống trong nước nhưng chất lượng thì không thể kiểm soát được.

* Môi trường: Bất kỳ loài thủy sản nào cũng cần có môi trường nước tốt để có thể sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là tôm càng xanh. Những năm đầu tiên khi phong trào nuôi tôm mùa lũ mới phát triển, lũ năm nào cũng về nhiều, tràn ngập khắp đồng ruộng, người dân phải dùng lưới để giữ tôm. Trong điều kiện như vậy, tôm càng xanh phát triển rất nhanh, tôm nuôi 6 - 7 tháng có thể đạt từ 50 - 70gr/con, con lớn vượt đàn có thể từ 120 - 150gr/con, năng suất từ 2 -3 tấn/ha.

Thế nhưng trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, lũ không con về nhiều nữa, thậm chí mực nước mùa lũ không cao hơn mùa khô bao nhiêu. Tôm trong ao đến giai đoạn lớn nhưng không có lũ sẽ chậm lớn, kích cỡ nhỏ, năng suất thấp do điều kiện môi trường không thuận lợi, nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm. Người nuôi buộc phải dùng máy để bơm nước vào ao nuôi, chi phí vì thế cũng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, nguồn nước ở các kênh cấp cũng bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng, từ nước thải của các hoạt động nuôi thủy sản khác như cá tra, cá lóc… Như vậy, chính những biến đổi về thời tiết, khí hậu và ô nhiễm nguồn nước cấp đã làm cho năng suất và chất lượng tôm nuôi ngày càng giảm.

* Thị trường: Để nuôi được tôm càng xanh đã khó, để bán được càng khó hơn - chuyện tưởng như khó tin lại có thật. Thị trường tiêu thụ tôm càng xanh tại Tam Nông ngày càng trở nên thu hẹp và khó khăn hơn bao giờ, điều này cũng góp phần làm cho người nuôi không còn tha thiết với con tôm nữa.

Nghề nuôi tôm từ lúc hình thành tính đến nay cũng đã hơn chục năm, thế nhưng chỉ một thời gian thì có công ty xuất khẩu đến thu mua sản phẩm cho bà con với số lượng hạn chế, còn lại thì vẫn phải trông chờ vào hệ thống thương lái để tiêu thụ nội địa. Con tôm càng xanh Tam Nông chỉ “quanh quẩn” trong các chợ truyền thống trong vùng, một số ít được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn… còn chuyện xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế.

Bởi vậy, nếu nuôi một ao tôm được vài tấn mất thời gian 6 - 8 tháng thì để bán hết số lượng ấy đã phải mất hơn tháng trời! Số lượng tiêu thụ đã ít, mà nay thương lái còn ép giá, không mua vì hiện nay bị cạnh tranh bởi tôm càng xanh ở các tỉnh Bac Liêu, Sóc Trăng… với chất lượng tốt và kích cỡ lớn hơn con tôm tại Tam Nông.

Khi được hỏi có dự định tiếp tục nuôi tôm càng xanh hay không, ông Dương Văn Diễn - một chủ hộ có trên chục năm kinh nghiệm cho biết: “Tui vẫn còn rất ham nuôi tôm càng xanh, nhưng nếu nhà nước có cơ chế thu hút doanh nghiệp đến thu mua thuận lợi cho bà con mới được, chứ cái cảnh nuôi được mà bán không ai mua thì làm sao dám nuôi”.

Có thể nói, người nuôi tôm càng xanh buộc phải tin tưởng vào uy tín của các trại sản xuất giống vì với họ, việc kiểm tra chất lượng là điều không thể. Nói như vậy, không có nghĩa là việc người nuôi tôm thua lỗ trong nhiều năm tất cả đều do con giống kém chất lượng. Một trong những nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến tình trạng trên đó là chất lượng nguồn nước cấp.

Đa phần bà con nuôi tôm càng xanh đã chuyển sang nuôi đối tượng khác, một số quay lại trồng lúa, số khác cho thuê đất để đi làm ăn xa. Vị thế của con tôm nước ngọt đang dần mất đi  nhưng người dân vẫn luôn trông chờ vào một ngày sẽ khôi phục lại nghề nuôi, cái nghề đã từng giúp họ làm giàu trong nhiều năm qua.

Ao hồ vẫn còn đó, lòng nhiệt huyết vẫn còn, chỉ cần sự chung tay của người dân và chính quyền các cấp để tháo gỡ những khó khăn trên, tin rằng trong tương lai không xa, con tôm càng xanh sẽ lại trở thành đối tượng nuôi chủ lực, giúp bà con vùng lũ làm giàu ngay trên chính quê hương của mình.

Lâm Trọng Nghĩa Nông Nghiệp.VN