Ngành Nông nghiệp về đích với mức tăng trưởng 0,9% “Công đầu” thuộc về thủy sản
Đó là đánh giá của ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại hội nghị tổng kết thủy sản năm 2016 và kế hoạch thực hiện năm 2017 diễn ra vào ngày 6-1-2017, tại huyện Thạnh Phú. Bởi, năm 2016, toàn ngành nông nghiệp của tỉnh đã trải đầy biến cố nhưng vẫn về đích với mức tăng trưởng 0,9% so với năm 2015, trong đó lĩnh vực thủy sản vẫn giữ được “phong độ ổn định” hơn so với các lĩnh vực khác.
Đánh bắt thủy sản tăng gần 13% kế hoạch năm
Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong năm 2016, tổng diện tích thả giống nuôi trồng thủy sản 46.800ha, đạt 100% kế hoạch năm, tổng sản lượng gần 254 ngàn tấn, đạt hơn 97% kế hoạch năm. Trong đó, tôm biển 35.000ha (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), sản lượng gần 50 ngàn tấn; tôm càng xanh hơn 2.100ha, sản lượng hơn 1.100 tấn; nhuyễn thể hơn 5.000ha, sản lượng gần 18 ngàn tấn; cá tra 760ha, sản lượng hơn 167 ngàn tấn. Có 3,6 tỷ con tôm biển giống đã qua kiểm dịch, đáng chú ý là trong đó có đến 1,3 tỷ con giống được sản xuất tại tỉnh.
“Công tác quy hoạch vùng nuôi, quản lý giống thủy sản, đa dạng hóa các đối tượng nuôi trong cùng diện tích, bảo vệ môi trường, khai báo dịch bệnh… được người nuôi quan tâm, thực hiện nghiêm chỉnh hơn. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt, xâm nhập mặn gay gắt, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ, thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nghề nuôi trồng chưa được kiểm soát tốt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng trên nhiều chủng loại nuôi” - ông Buội đánh giá.
Cũng theo ông Buội, lĩnh vực khai thác thủy sản trên biển tiếp tục đà tăng trưởng, vượt gần 13% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, với tổng sản lượng 195 ngàn tấn. Toàn tỉnh hiện có 3.800 tàu cá đã đăng ký, với công suất bình quân 316 CV/chiếc, gần 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên. Phần lớn ngư dân đã tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển. Công tác triển khai các hoạt động kích thích phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt xa bờ, giảm dần phương thức đánh bắt lưới cào… theo chủ trương của Chính phủ đã đạt những kết quả khả quan.
Cần điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi từng lúc theo biên độ mặn
Đó là vấn đề mà ông Nguyễn Trọng Huy - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thủy sản Huy Thuận đề xuất tại hội nghị này. Theo ông Huy, hiện nay ở một số vùng đất vốn được quy hoạch ngọt hóa nhưng đã bị nhiễm mặn khá cao nên cần điều chỉnh kịp thời để người dân, doanh nghiệp đủ cơ sở “trở bộ” theo. Ông Huy còn cho rằng, ngành thủy sản cần đưa ra mô hình chuẩn phù hợp và chính xác nhất về yêu cầu kỹ thuật để nông dân “biết đường” áp dụng. Bởi, thời gian qua khi thực hiện xong các mô hình điểm, ngành chức năng chỉ đưa ra các khuyến cáo về chỉ số kỹ thuật còn mơ hồ khiến người nuôi tôm bị mâu thuẫn.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo các huyện Thạnh Phú, Bình Đại nêu lên thực trạng ý thức bảo vệ môi trường nuôi của người dân còn hạn chế, trong khi công tác kiểm soát, chế tài xử phạt còn quá khó áp dụng. Đối với các vi phạm về thức ăn, thuốc, hóa chất... trong lĩnh vực thủy sản thì mức xử phạt chưa đủ răn đe, thậm chí nhiều trường hợp khó xử lý được. Trên lĩnh vực đánh bắt thủy sản, còn quá nhiều tồn tại khiến các chủ tàu sau khi đánh bắt không chịu về các cảng tại Bến Tre bán sản phẩm thu được. Điều này gây thất thu lớn và ảnh hưởng đến việc làm của nhiều lao động, trong khi các doanh nghiệp chế biến, các làng nghề cá khô thì thiếu nguyên liệu sản xuất.
Để năm 2017 lĩnh vực thủy sản phát triển tốt hơn, ông Bùi Văn Lâm cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là tiến hành nạo vét các tuyến sông, rạch, kênh nội đồng để cung cấp nước cũng như thoát nước kịp thời, phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ngành thủy sản phải đẩy mạnh hơn nữa trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành cũng như hướng đến xây dựng chuỗi giá trị liên kết nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy. Đây là mấu chốt để ngành thủy sản phát triển bền vững trước thị trường kinh tế hội nhập.
“Nuôi tôm quảng canh cần nghiên cứu các mô hình có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao để nâng cao năng suất nhưng phải thân thiện mới môi trường và nhân rộng trong dân. Bên cạnh đó, tiến hành một cách có hiệu quả các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm càng xanh và đa dạng các đối tượng nuôi trong cùng diện tích… Đó là những lợi thế về nuôi trồng thủy sản của Bến Tre có thể phát huy. Đặc biệt, các ban quản lý vùng nuôi cần hoạt động có hiệu quả hơn nữa để kiểm soát vấn đề môi trường nuôi. Bến Tre là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn nên sẽ không loại trừ việc điều chỉnh lại các quy hoạch vùng nuôi sao cho hợp lý nhất để người dân có cuộc sống ổn định hơn. Để thực hiện có hiệu quả việc này, các cơ quan chuyên môn và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đề xuất kịp thời” - ông Lâm nói.
Trên lĩnh vực đánh bắt thủy sản, ông Bùi Văn Lâm cho rằng, cần củng cố và phát triển thêm mô hình tổ, đội đánh bắt trên biển. Riêng thực trạng tàu cá “bát nháo” ở cảng Ba Tri hiện nay cần phải được sắp xếp trật tự lại. Tuy đã có những dự án đang triển khai để khắc phục tình trạng quá tải các cảng cá nhưng trước mắt, ban quản lý các cảng cá và lãnh đạo địa phương quan tâm khắc phục các vấn đề tồn tại để tàu địa phương về cảng bán sản phẩm. Đặc biệt, vận động ngư dân tuyệt đối không được vi phạm vùng biển các nước khác trong khi đánh bắt.
Đặc biệt, Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở và các địa phương cần vận động người dân không được sử dụng các chất cấm trong khi dùng thức ăn, thuốc, hóa chất để nuôi và chế biến để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên lĩnh vực thủy sản. Bởi, đó chắc chắn là những hành vi mang về tai tiếng làm mất uy tín sản phẩm thủy sản Bến Tre trong mắt người tiêu dùng.