Ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2012 và triển vọng năm 2013
Ngày 4/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2013 do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD) phối hợp Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP) tổ chức đã diễn ra bốn phiên hội thảo song song tập trung vào bốn lĩnh vực chính là chăn nuôi, thủy sản, lúa gạo và phát triển nông thôn.
Tại phiên họp về Ngành thủy sản năm 2012 và triển vọng năm 2013, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – đã đưa ra nhận định về tổng quan thị trường thủy sản Việt Nam năm 2012 và triển vọng năm 2013. Ông Dũng đã nhấn mạnh tỷ trọng sản phẩm GTGT trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, đặc biệt là mặt hàng cá tra, khi mà các sản phẩm GTGT chỉ chiếm 0,68% trong tỷ trọng xuất khẩu cá tra.
Ông Dũng cũng đưa ra dự báo trong năm 2013, nhu cầu của các thị trường thủy sản chính như EU, Mỹ Nhật Bản và châu Á sẽ dần hồi phục và các thị trường Trung Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi sẽ được mở rộng và phát triển hơn.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận về hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm và cá tra. Ông Phùng Giang Hải – Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD – nhận định thị trường tôm Việt Nam năm 2013 khó có thể tăng trưởng mạnh do các vấn đề về dịch bệnh, thiếu hụt nguyên liệu chế biến và những khó khăn về giá, chất lượng và rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu chính. Ngành tôm và cá tra Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm 2013 như thiếu vốn, dịch bệnh, chất lượng cá bố mẹ chưa cao, đặc biệt là các vụ kiện về chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Hội thảo đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và đưa ra một số giải pháp phát triển thủy sản theo hướng bền vững thông qua hoàn thiện thể chế quản lý thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành thủy sản Việt Nam.