TIN THỦY SẢN

Nghề cá Quảng Tiến -Thanh Hóa: Những nút thắt cần tháo gỡ

Ngư dân ở Quảng Tiến trúng đậm mùa cá năm 2013 Đinh Ngọc Diệp – Lê Tuấn Linh

Những năm gần đây, Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về nghề khai thác cá biển của tỉnh Thanh Hóa, cả về số phương tiện đánh bắt. Kết quả là khá tích cực, song cũng đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết để tăng hiệu quả của sản xuất, góp phần bảo đảm và cải thiện đời sống ngư dân.

Vụ cá Nam được mùa…

Ông Nguyễn Văn Thi, cán bộ phụ trách nghề cá của phường Quảng Tiến cho biết: Toàn phường hiện có 203 phương tiện đánh bắt cá với tổng công suất 49.000 CV, trong đó có 164 tàu đánh bắt xa bờ và 39 tàu, thuyền nhỏ của ngư dân khai thác trong lộng… Thời điểm này, địa phương đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu khai thác đạt sản lượng 15.000 tấn hải sản trong năm 2013. Năm nay, nhiều đội tàu cũng đã trúng đậm mùa cá, mang lại thu nhập lớn cho chủ tàu và các thuyền viên.

Gần 11 tháng của năm 2013, các ngư dân đã đánh bắt được khoảng 13.000/15.000 nghìn tấn các loại theo kế hoạch, tăng 2.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoài. Riêng trong tháng 10, đã đánh bắt được 2.560 tấn. Trong đó, sản lượng hải sản chủ yếu tập trung ở tàu  lưới vây.

Nhiều hộ dân như anh Trần Văn Thuận, Nguyễn Duy Bảo, do đầu tư đồng bộ phương tiện và dụng cụ đánh bắt nên chỉ trong 10 tháng đã thu nhập cả tỷ đồng. Nhiều mẻ lưới kéo lên trúng trên 200 triệu tiền cá.  Sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư lưới màn chụp hiện đại với giá khoảng 2 tỷ đồng/1 bộ để phục vụ cho việc khai thác thủy sản.

Trong các nguyên nhân dẫn đến được mùa cá vừa qua ở phường Quảng Tiến, ông Thi cho biết đó là do ngư dân đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phương tiện, trang bị và đa dạng hóa các hình thức đánh bắt trên cùng một phương tiện. Đó cũng chính là đóng góp của Ngân hàng NN&PTNT nhiều năm nay luôn đồng hành cùng ngư dân Quảng Tiến. Bên cạnh đó, chính quyền đã khảo sát các chủ thuyền có kỹ thuật đánh bắt cao và có tiềm năng về vốn, giới thiệu và bảo lãnh với ngân hàng nên nhiều hợp đồng vay vốn đã được giải ngân, bảo đảm lợi ích của cả ngư dân và khách hàng. Về khách quan, năm nay cũng có thuận lợi là vùng đánh cá chung giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc tương đối yên tĩnh, không xảy ra tranh chấp như những năm trước (hiện nay, phường Quảng Tiến có 63 tàu có giấy phép được đánh bắt cá ở ngư trường chung của hai nước).

Vẫn còn những "nút thắt”…

Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là rất lớn, nhưng vốn trong dân đã cạn mà vốn ngân hàng chưa đáp ứng đủ. Trên địa bàn phường Quảng Tiến, Ngân hàng Công thương Việt Nam vẫn còn đứng ngoài cuộc, chưa cho ngư dân vay vốn được bao nhiêu. Lý giải của đơn vị này với cán bộ phường là do thiếu các cán bộ tín dụng am hiểu nghề cá để mạnh dạn cho ngư dân vay. Mặt khác, do chi phí xăng dầu, vật tư chiếm phần rất lớn trong doanh thu của nghề khai thác cá biển nên nếu không có hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất thì ngư dân cũng không dám vay. Có những trường hợp do phán đoán sai và một phần do thiếu vốn nên ngư dân phải hạn chế trong việc sắm thêm lưới chài trên các tàu, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội đánh bắt. Một dẫn chứng là, đôi tàu của ông Phạm Gia Thanh, công suất 1000 CV, vào loại lớn nhất miền Bắc nhưng vừa qua sản lượng sút giảm vì để mua sắm lưới giã kéo hiện đại, ông đã phải bán bớt vàng lưới vây, mà năm nay giã kéo mất mùa.  Một đôi tàu khác có cùng công suất 1000 CV, sau một thời gian hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn, buộc chủ tàu cũng phải bán cho người khác. Như vậy, bên cạnh cố gắng của địa phương trong việc mở các lớp tập huấn đào tạo đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng…có kết quả bước đầu, thì việc tăng cường năng lực làm chủ phương tiện, kỹ thuật đánh bắt  của ngư dân cũng là vấn đề cần quan tâm hơn.

Phương tiện nhỏ "bất hợp pháp” vẫn hoạt động

Cũng theo phản ảnh của cán bộ và nhân dân địa phương, một hạn chế không nhỏ của nghề khai thác cá biển ở đây là còn khoảng gần 40 phương tiện đánh bắt cá có công suất nhỏ, phần lớn thuộc danh mục cấm hoạt động theo quy định của Nhà nước. Bởi vì những phương tiện này chỉ đánh bắt cá tôm quanh quẩn ven bờ, trong lộng, có phương tiện trang bị lưới có mắt lưới quá nhỏ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và gây nhiều hệ lụy về môi trường. Chưa kể gặp mưa bão sẽ không an toàn tính mạng ngư dân. Thế nhưng trên thực tế, số tàu thuyền không đạt chuẩn này lại vẫn hoạt động. Dư luận cho rằng các thuyền này đã phải "làm luật” để được hoạt động. Thêm nữa, theo phân tích của những người am hiểu nghề cá, cách đây mấy năm, khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền dầu, các phương tiện nhỏ được lợi hơn nên đã vô tình khuyến khích các hộ mua sắm thêm phương tiện loại này. Dù sao, đây cũng là bài học về sự thiếu đồng bộ trong việc đề ra và thực thi các chính sách hỗ trợ ngư dân vốn mang tính nhân đạo cao nhưng lại phát sinh những hệ quả không mong muốn. Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là do thiếu vốn để ngư dân nghèo thay thế phương tiện đạt chuẩn, xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ vì mưu sinh của chính các gia đình ngư dân, góp phần xây dựng đất nước và giữ gìn chủ quyền, an ninh biển, đảo.

Đinh Ngọc Diệp – Lê Tuấn Linh Báo Đại Đoàn Kết, 22/11/2013