TIN THỦY SẢN

Nghề “hạ bạc” ở vùng ven biển - lên hay xuống?

"Hạ bạc" là từ dùng để chỉ nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông, trên biển. Ảnh: timhieuvietnam.vn Hà Tử

"Hạ bạc" có thể gọi là xuống biển, là từ dùng để chỉ nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông, trên biển. Thế nên có người cho rằng nghề này lắm "bạc bẽo" như tên gọi của nó. Điều này cũng có lý, bởi "biển sâu rong ruổi" và con người xem ra quá nhỏ bé so với biển cả bao la.

Nguồn lợi thuỷ sản biển ngày càng cạn kiệt

Ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển một cách nhanh chóng trên toàn cầu, với sản lượng thủy sản cung cấp đến hơn 50%. Với tình hình này, các hệ thống nuôi trồng thủy sản đang tiếp tục mở rộng song song với nhu cầu thực phẩm của người dân, trong khi sản lượng đánh bắt thủy hải sản được lại ngày càng khan hiếm. 

Những mối đe dọa đối với ngành đánh bắt thủy sản 

Sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản thường đi kèm với những hậu quả bất lợi về môi trường và xã hội. Nhiều vấn đề đã được ghi nhận, bao gồm ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh, sự xuất hiện của các loài xâm lấn và mất một phần lớn diện tích rừng ngập mặn.

Trong khi các tác động tích cực và tiêu cực của nuôi trồng thủy sản đối với môi trường đã được ghi nhận, người ta ít chú ý đến việc mở rộng diện tích nuôi trồng có ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế và điều kiện sống của các hộ gia đình làm nghề “hạ bạc”. 

Dưới dòng nước yên bình của mỗi dòng sông luôn chứa những điều huyền bí, nhưng những người chuyên sống dưới đáy sông, lênh đênh trên biển, không phải là những người thích đi tìm sự huyền bí mà chỉ đơn thuần muốn kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình. Đôi khi, để có được những thứ ấy, họ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình… 

Đánh bắt thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho người dân ở vùng ven biển. Ảnh: vnexpress.net

Mặc dù sản lượng đánh bắt thủy sản đang ngày càng giảm đi đáng kể, nhưng nghề này vẫn đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho người dân ở các vùng ven biển. Họ cũng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đó là sự khai thác quá mức gây suy thoái môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu.

Nghề hạ bạc với nhiều hình thức khai thác thủy sản lớn bằng tàu biển lớn đánh bắt xa bờ. Không có tàu thì ngư dân đi te (đánh bắt tôm cá nhỏ) bằng các dụng cụ truyền thống thô sơ. Mùa nào thức nấy, tùy theo mùa “rộ” của loài nào, thì ngư dân sẽ đi đánh bắt loài đó.

Từ tháng chạp đến tháng 3 là mùa vớt sứa, từ tháng 3 đến hết tháng 6 thì đi câu mực kết hợp đánh lưới cá đục, sang tháng 7 lại là mùa lưới ghẹ, đãi dắt, đập hà, cào ngao… Tuy nhiên những nghề này càng ngày càng có nhiều mối đe dọa hơn. 

Nghề cha truyền con nối 

Nghề hạ bạc cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Chỉ cần một tấm lưới hoặc cái nò, cái lợp là có thể “hành nghề”.  

“Em hỏi anh sao đi giăng câu, Anh nói rằng anh đi giăng câu. Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu, anh cắm cây sào nghe gió dạt dào”.  

Và nghề đánh bắt thủy sản trở thành nghề truyền thống, cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. 

Trẻ con đi theo ba mẹ giăng câu, bắt cá không có gì hiếm ở các tỉnh ven biển. Ảnh:  timhieuvietnam.vn

Nếu đã chọn nghề hạ bạc là sinh kế chính của gia đình thì không ngày nào là không đi đương đầu với sóng gió. Mỗi mẻ lưới đầy, mỗi chiếc lợp vung cá tôm là chất chứa biết bao ước mơ. Trẻ con đi theo ba mẹ giăng câu, bắt cá không có gì hiếm ở các tỉnh ven biển. Rồi lớp trẻ này lớn lên cùng chiếc ghe, tấm lưới, lập gia đình và lại gắn bó với tấm lưới, chiếc ghe.

Cái nghề “hạ bạc” này lại truyền từ đời này sang đời khác, không biết đã qua biết bao thế hệ con người. Thử hỏi nếu không đi te, đi cào nữa, thì những thế hệ này sẽ làm gì để sinh sống? 

Những trăn trở với nghề 

Khi đã “chọn ghe làm nhà”, thì dù có nhọc nhằn vất vả, ngư dân vẫn bám trụ với nghề từ bao đời nay, nuôi lớn bao nhiêu thế hệ. “Thực ra làm nghề này có vui sướng gì đâu. Không bị mất trộm thì phải chịu cảnh các phương tiện lớn như te, cào dùng xung điện khai thác làm cá, tôm mình đánh bắt được bị chết mất giá. Rồi thời tiết thất thường, sản lượng khai thác giảm nên nghề đánh bắt ven bờ vô cùng khó khăn. 

Không có nguồn vốn để chuyển đổi ngành nghề hay vay vốn để đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ. Vì vậy, mặc dù có nhiều chính sách nhằm giúp ngư dân có điều kiện vươn xa bám biển nhưng đối với những ngư dân nghèo ven biển, nó được họ ví như những chiếc “phao cứu sinh” không bao giờ với được. Vậy là, họ phải bám lấy biển mà mưu sinh từ những nghề khai thác gần bờ gắn liền với hai chữ “hên - xui”. 


Thu nhập bấp bênh do sản lượng đánh bắt giảm và diện tích nuôi trồng ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của ngư dân. Ảnh: baoquangnam.vn

Hơn nữa, nhìn về phía những người ngư dân ven biển, việc sản lượng đánh bắt giảm và diện tích nuôi trồng ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của họ. Thu nhập bấp bênh, nghề nghiệp không ổn định. Cái vòng luẩn quẩn thiếu trước hụt sau cứ vây lấy họ như một định mệnh. Liệu mai đây tương lai của thế hệ trẻ nơi đây rồi sẽ ra sao? 

Hà Tử