TIN THỦY SẢN

Nghĩa địa cá voi lớn nhất miền Trung

Khu nghĩa địa với hơn 500 mộ cá voi Đắc Thành

Không biết từ bao giờ người dân miền biển thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) có một nghĩa địa dành riêng cho cá voi. Đến nay, nghĩa địa này đã có hơn 500 ngôi mộ cá voi, và trở thành nghĩa cá voi lớn nhất miền Trung.

COI CÁ VOI NHƯ NGƯỜI THÂN

Cụ Trịnh Văn Hiền năm nay gần 80 tuổi được cho là người hiểu tường tận về nghĩa địa cá voi ở Thuận An. Tôi hỏi cụ Hiền về nghĩa địa cá voi, cụ Hiền bảo: “Các con không được gọi rứa mô. Gọi rứa có tội với ông. Ở đâu các con xưng hô thế nào cũng được nhưng đã về đây thì phải theo phong tục gọi là cá ông, không được phạm húy”.

Rồi cụ Hiền dẫn chúng tôi vào khu nghĩa địa, vừa đi cụ vừa kể: “Ngư dân sống nhờ biển, hằng ngày ra biển, gặp hoạn nạn được ông cứu giúp. Do đó, một khi không may ông qua đời, dạt vào đây thì bà con sẽ tổ chức mai táng giống như một con người”.

Tôi hỏi cụ Hiền: Thế cụ đi biển bao nhiêu năm, có lần nào được cá ông giúp chưa? “Tôi chưa gặp và chứng kiến lần nào cả, đấy là câu chuyện cha ông truyền lại. Cứ đời này, nối tiếp đời kia tôn thờ ông”, cụ Hiền đáp.

Chuyện kể rằng, mỗi khi ngư dân gặp nạn, hai cá ông ở hai bên dìu tàu thuyền vào nơi sóng gió bình yên giúp ngư dân thoát nạn. Ngoài ra theo sự tích kể rằng, có một vị vua thời nhà Nguyễn trong một trận đánh bị thua, hết đường chạy trốn; vị vua này buộc phải ra biển.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, nước ngọt không có; quân sĩ trong lúc đói, khát thì bỗng từ đâu tới có nhiều cá ông đến phun nước ngọt lên thuyền để quân sĩ uống, nấu ăn. Sau khi đánh tan giặc, vị vua này đã yêu cầu lập miếu thờ cá ông. Khi cá ông dạt vào bờ thì bà con phải mai táng, tuyệt đối không được giết thịt.

Cụ Hiền chia sẻ: Trước đây, ngư dân ra biển chưa có phương tiện liên lạc, dự báo thời tiết như bây giờ nên thường xuyên gặp nạn giữa biển khơi. Ngư dân nhìn mây, nghe sấm để đoán gió bão thì ngày nay, qua bản tin dự báo thời tiết, họ biết được cơn bão xa, kịp chủ động cho thuyền vào bờ tránh bão hoặc neo thuyền ẩn nấp vào nơi an toàn.

Ngoài ra, nhiều ngư dân sắm được thuyền to máy tốt vươn đến ngư trường xa, lênh đênh trên biển dài ngày, không lo chuyện lương thực, nước uống, nhiên liệu, vì đã có tàu hậu cần tiếp tế. Những chuyến đi câu mực thường kéo dài vài tháng trời. Biển khơi là nhà của ngư dân.

Thế nhưng, trong tâm thức của ngư dân nơi đây, cá ông vẫn là loài cá linh thiêng, là “vị thần” phù hộ cho họ được xuôi chèo mát mái và vì thế những tục lệ trên đến ngày nay vẫn còn tồn tại.

Trong khu nghĩa địa cá voi, tôi quan sát thấy hàng trên cùng là ngôi mộ lớn, càng về dưới mộ càng nhỏ đi. Tôi thắc mắc, cụ Hiền giải thích: “Ở làng, chôn ông theo thứ tự; ông nào to thì chôn phía trên, ông nào nhỏ chốn phía dưới. Có những ông to quá không mang được vào nghĩa địa thì buộc phải mai táng ở gần bờ, sau 4 năm dân làng lại cải táng cho ông”.

Vào ngày 1 và 15 âm lịch hằng tháng, cụ Hiền lại ra thắp hương, dọn dẹp cỏ cây ở nghĩa địa cá voi.

Sống đến này tuổi nhưng cụ Hiền cũng không nhớ có bao cá ông lụy bờ, chỉ biết là rất nhiều cá ông lụy vào đây. “Bà con thường nói Thuận An là “nguyên quán” của ông nên khi biết sắp qua đời, ông tìm về quê hương an nghỉ. Các ông muốn được về ở gần những người thân. Ở trên biển ông cứu nạn tàu thuyền giữa biển nguy nan, khi lụy về đây phù hộ dân làng ra khơi trở về tôm cá đầy khoang”, ông Hiền tâm sự.

VĂN TẾ CHO CÁ VOI

Các ngư dân cao tuổi của làng biển xã Tam Hải bảo, tang lễ cá ông thường rất lớn, có văn tế, có quan gia hàng huyện trở xuống áo dài khăn đóng đến lạy. Người đầu tiên phát hiện ra ông lụy được đóng khăn xô chịu tang và thường gặp nhiều may mắn.

Ông Trần Đình Nam, Trưởng thôn Thuận An, cho biết: Năm trước, anh Nguyễn Văn Hùng phát hiện ra xác ông nên đứng ra chịu tang. Chúng tôi xem đó là vận may riêng cho anh Hùng bởi gặp ông, chịu tang ông, thế nào cũng làm ăn phát đạt, giàu có. Cả làng sẽ đóng góp để mai táng long trọng, ban tế lễ có sẵn mọi thứ cần thiết cho nghi lễ mai táng ông.

Mỗi mộ được đặt một viên đá

Sau khi chôn cất, lập mộ 3 ngày, người phát hiện ra ông làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày cúng tuần, giỗ đầu. Trong 3 năm, người chịu tang còn phải kiêng cữ một số hành vi đạo đức giống như cách thức chịu tang cha mẹ.

“Ông nào lụy vào đây trong lúc hấp hối thì chúng tôi thay nhau chăm sóc. Có một điều lạ là có nhiều ông lụy vào đây, chúng tôi đưa ra xa mấy hải lý nhưng rồi ông cũng bơi vào, không đi ra. Đấy là điều lạ lùng nhất đối với cá ông”, ông Nam nói.

Ông Nam còn cho biết thêm: Hằng năm, ngư dân các huyện như: Núi Thành, Thăng Bình, Hội An, Duy Xuyên... một khi phát hiện cá ông chết, họ làm lễ chốn cất tại địa phương. Sau hơn 4 năm, xem ngày nào tốt thì cải táng đưa về Thuận An xin  dân làng được an táng ông.

“Đây là một tục lệ có từ bao đời nay, rất khó giải thích. Những các địa phương khác tự tìm về và làm lễ cho ông. Hôm đưa về, tàu thuyền treo cờ, đèn, đưa lễ vật đi bằng đường biển”, ông Nam cho biết.

Năm 2009, nghĩa địa cá ông thôn Thuận An được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, đúng ngày 20/1 âm lịch người dân Tam Hải mở hội Nghinh thần. Ngày đó mỗi người đóng góp một ít tiền để mở lễ hội, phần là nhớ ơn ông, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm; phần nữa là dịp các ngư dân ngồi lại hàn thuyên sau một năm vật lộn với biển khơi để mưu sinh.

Đắc Thành Báo Nông Nghiệp Việt Nam