TIN THỦY SẢN

Ngộ độc cá nóc: Đừng chết vì quá tự tin

Mặc dù biết cá nóc có độc tố chết người, nhưng không ít ngư dân vẫn ăn vì tự tin vào kinh nghiệm chế biến. Trần Huỳnh

Phần lớn nạn nhân ngộ độc cá nóc là thuyền viên và người dân sinh sống ven biển với sự tự tin về kinh nghiệm chế biến cá nóc của mình…

Cầm đôi đũa cùng chén, tay múc miệng nói lia: “Chỉ có khách quý như chú anh mới đãi, chứ linh tinh thì không có đâu nha. Hàng này anh phải dặn người quen ở Phú Quý gởi vào, chứ biển ở đây mùa này tìm đâu ra”; cùng với đó là những lời giải thích: “Cá nóc mú ít độc tố, anh làm rất kỹ, dân ở đây người ta ăn hà rầm”, ông ba H một người dân xã Chí Công (Tuy Phong) tỏ lòng mến khách chèo kéo. Dù cố né nhưng trước sự nài ép của chủ nhà, tôi cũng đánh dạn làm liều thử một miếng nước chấm với bánh mì cho có lệ, nghĩ bụng chắc không đến nỗi nào, dù liền sau đó trong lòng cũng bắt đầu hồi hộp. Đó là câu chuyện tại một bữa tiệc nhậu cuối tuần với món chính là cá nóc mú nấu cà ri, dù chỉ mới 3 tháng trước đó, tại xã này 7 lao động biển đã ngộ độc khi đang đánh bắt tại vùng biển trên đảo Phú Quý và chế biến cá nóc mú cho buổi cơm tối. Trong số đó thuyền viên TVG - ngụ cùng xã đã không thể qua khỏi. Sáu thuyền viên còn lại may mắn thoát nạn khi được các y, bác sĩ ở đảo tích cực cứu chữa. Theo ông H, không chỉ ở Chí Công và các làng chài ven biển, việc làm thịt cá nóc ăn là chuyện diễn ra bình thường, thậm chí đó là món khoái khẩu thể hiện đẳng cấp của không ít ngư dân đi biển với nhau. Thậm chí riêng cá nóc mú, ngư dân còn đem ra chợ bán, lúc ấy chỉ có tranh nhau mua. Điều ông H nói không sai, bởi qua thăm dò nhiều ngư dân thì cá nóc luôn được xem là đặc sản mỗi khi ngư dân đánh bắt trên biển gặp phải. Đó cũng là lý do vì sao các vụ ngộ độc cá nóc ngoài số nhỏ là người dân trong bờ, thì phần lớn là ngư dân trực tiếp khai thác hải sản trên biển.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, 5 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 8 vụ ngộ độc cá nóc với trên 40 người ngộ độc, trong đó có 4 người không qua khỏi vì độc tố của loài cá này. Riêng trong năm 2013, đã xảy ra 2 vụ với số người mắc gần 20 người, trong đó 2 người tử vong. Hầu hết các vụ ngộ độ xảy ra với ngư dân có kinh nghiệm nhiều năm đánh bắt trên biển. Nếu như vài năm trước phần đông số người đã từng ăn thịt cá nóc bị ngộ độc đều không biết rằng độc tố của loại cá này không bị nhiệt độ phân hủy trong quá trình chế biến, nên khi nấu chín hoặc phơi khô có thể ăn vô tư. Tuy nhiên, hiện nay qua tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết ngư dân đánh bắt trên biển và người dân các làng chài đều nắm và biết rõ sự nguy hiểm của độc tố cá nóc qua các phương tiện thông tin tuyên truyền của cơ quan chức năng và địa phương. Đồng thời, qua thực tế là những vụ ngộ độc do ăn cá nóc dẫn đến tử vong tại địa phương. Tuy nhiên, phần lớn ngư dân hiện nay còn quá tự tin đối với kinh nghiệm, cách thức chế biến của mình. Do đó vẫn còn nhiều vụ ngộ độc chết người do ăn cá nóc, mà chủ yếu là ngư dân.

Ở Việt Nam có gần 70 loài cá nóc khác nhau chủ yếu sống ở nước mặn. Cá nóc là cá độc, trong cá có chứa một loại chất độc tetrodotoxin có độc tính với hệ thần kinh, tim mạch. Đây là một trong các chất có độc tính mạnh nhất được con người biết đến, độc gấp 275 lần so với Xyanua và gấp 50 lần so với mã tiền. Chất độc ở cá nóc hầu như phân bố ở các cơ quan nội tạng như: gan, ruột, mặt, máu, da, hay các cơ quan sinh sản. Trong trường hợp chúng bị va đập hay ươn, chất tetrodotoxin ngấm vào thịt cá. Điều này giải thích tại sao, nhiều ngư dân sau khi bỏ phần nội tạng rồi mà vẫn bị ngộ độc. Độc tố cá nóc bị phân hủy không đáng kể ở nhiệt độ sôi, do đó mặc dù cá nóc được nấu chín kỹ, nhưng độc tố vẫn không thay đổi.

Trần Huỳnh Báo Bình Thuận, 06/12/2013