TIN THỦY SẢN

Ngư dân phải học để...làm ngư dân

Để vươn khơi, các ngư dân buộc phải có những chứng chỉ theo quy định Lê Thọ

Dù là nghề truyền thống, kiểu cha truyền con nối, đúc rút kinh nghiệm sau những mùa cá, nhưng thời nay, muốn đánh bắt xa bờ ngư dân phải có đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định của Nhà nước.

Từ khi Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông ra đời, nhiều địa phương lúng túng, ngư dân gặp khó. Trái ngược với điều đó, tại Thừa Thiên Huế, hầu hết các tàu ĐBXB đều đáp ứng yêu cầu, nhưng nhiều chủ tàu cho rằng cũng còn những bất cập.

Học… làm ngư dân

Ngư dân Trần Văn Hải (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đã hơn nửa đời người gắn bó với biển. Năm 2019, ông mạnh dạn bỏ tiền túi để đóng con tàu vỏ gỗ có công suất hơn 1.000CV. Trước khi tàu hạ thủy, ngoài số nhân lực sẵn có là các con nối nghiệp cha, ông Hải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm lao động. Và khi số lượng bạn tàu đã hòm hòm, thêm một lần nữa ông lại bỏ tiền túi, động viên các lao động trên tàu đi học… làm ngư dân để hội đủ các quy định của Nhà nước.

“Tôi đóng tàu tốn chi phí khoảng 20 tỷ đồng. Muốn tàu hạ thủy phải có nhân lực. Để thu hút bạn tàu, dù tàu chưa đi vào khai thác nhưng tôi phải ứng trước cho họ 30 triệu đồng/người. Sau đó, động viên đi học các lớp để cấp chứng chỉ theo quy định. Lớp ngắn thì 1-2 ngày, dài đến hơn tuần lễ. Lúc trước kinh phí để học các loại chứng chỉ này do Nhà nước hỗ trợ, nhưng nay thì chủ tàu bỏ tiền túi”, ông Hải chia sẻ.

Trong tủ tài liệu về kiến thức biển đảo được Bộ đội Biên phòng trang cấp trên tàu cá, ông Hải luôn dành ngăn riêng cho những giấy tờ liên quan đến tàu cá và không thể thiếu các chứng chỉ của lao động. Đó là chứng chỉ thuyền viên, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá, chứng chỉ thợ máy, chứng chỉ thuyền phó, chứng chỉ máy trưởng.

“Ngày trước chúng tôi vươn khơi không cần những loại giấy tờ này, nhưng nay Nhà nước quy định phải chấp hành. Để có đủ các loại chứng chỉ này, chủ tàu cũng phải bỏ số tiền khá khá. Do vậy, chỉ những tàu ĐBXB, ăn nên làm ra mới trang bị đầy đủ chứ những tàu đánh bắt gần bờ hay tàu cá liên tục làm ăn thua lỗ, họ không mấy mặn mà”, ông Hải nói.

Theo nhiều ngư dân, với kinh nghiệm bám biển sau nhiều năm, họ có đủ khả năng vận hành, điều khiển, quản lý con tàu tốt khi vươn khơi. Dù ủng hộ những quy định của Nhà nước, nhưng ngư dân cho rằng, các cơ quan chức năng cần trang bị kiến thức thực chất hơn.


Chứng chỉ của lao động trên tàu vẫn còn nhưng họ đã nghỉ việc.

Ngư dân N.T.A. (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) nói: “Không đủ các chứng chỉ thì tàu cá phải nằm bờ, do vậy tàu nào cũng cử ngư dân đi học. Song, việc học vẫn còn mang tính hình thức. Sau khi nộp tiền, đến lớp được cán bộ điểm danh, rồi được phát tài liệu để thi cấp chứng chỉ. Quá trình học ngư dân không lĩnh hội được gì nhiều. Một phần nguyên nhân là từ ý thức của ngư dân, phần khác là do những quy định chưa thật chặt chẽ của lớp học. Ngoài ra, về vấn đề cập nhật kiến thức này, Nhà nước cần hỗ trợ học phí cho ngư dân”.

Nỗi lòng chủ tàu

Thông tư 22 ra đời, đó chính là những hướng dẫn cụ thể của quy định tại Luật Thủy sản. Văn bản này quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh, định biên, tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu cá, tiêu chuẩn thuyền viên là người nước ngoài đang làm việc trên tàu cá Việt Nam. Theo đó, các thông tin cụ thế phổ biến bắt buộc mà các tàu cá phải trang bị đầy đủ đó là chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy, thủy thủ.

Mặc dù Thông tư 22 không gây khó cho ngư dân tại Thừa Thiên Huế. Song, trong bối cảnh lao động nghề biển đang dần thiếu hụt, nhiều chủ tàu tỏ ra lo lắng, họ cho rằng bỏ kinh phí, gửi ngư dân đi đào tạo là việc đơn giản nhưng lao động đã có chứng chỉ gắn bó với chủ tàu hay không lại là một việc khác. “Việc chủ tàu bỏ tiền cho lao động đào tạo, sau đó, vì làm ăn thua lỗ, lao động bỏ đi xảy ra rất nhiều. Khi đó, chủ tàu bắt buộc phải kêu gọi bạn tàu mới và lại thêm một lần nữa cho đi đào tạo. Riêng tàu cá của tôi, nhiều chứng chỉ thuyền viên vẫn còn đó nhưng thực tế lao động đã không còn làm việc trên tàu...”, ngư dân N.T.A. tiếp lời.

Từ khi Thông tư 22 có hiệu lực thi hành cách đây hơn 1 năm, các địa phương ven biển trên toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời kêu gọi ngư dân đăng ký học các lớp đào tạo ngắn hạn.

“Đa số ngư dân đều có ý thức, chủ tàu cử thuyền viên để tham gia các khóa đào tạo. Qua khảo sát, các tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương, ngư dân trang bị khá đầy đủ các chứng chỉ theo quy định”, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy thông tin.

Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện, Thừa Thiên Huế chưa có đơn vị nào được phép đảm nhận công tác đào tạo các khóa học ngắn hạn cấp văn bằng, chứng chỉ cho ngư dân. Việc đào tạo được đơn vị này phối hợp Trường đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức hàng năm.

“Thông tư 22 đã được áp dụng tại Thừa Thiên Huế. Thông thường khi có đủ số lượng ngư dân đăng ký theo học, chúng tôi sẽ liên hệ, phối hợp với Trường đại học Nha Trang mở lớp. Trong thời điểm chuyển giao các văn bản luật đến ngư dân nên nếu phát hiện tàu cá nào không có đầy đủ các chứng chỉ thì chúng tôi tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa xử phạt”, ông Giang nói.

Lê Thọ Báo Thừa Thiên Huế