TIN THỦY SẢN

Ngược chiều thị trường nông sản, nhu cầu tôm thế giới đang trên đà tăng

Nhu cầu tôm thế giới đang trên đà tăng

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con thả nuôi để tận dụng tốt những cơ hội xuất khẩu, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn, vì một vụ tôm thường kéo dài khoảng 90-100 ngày.

Hồi giữa tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở nước ta, cửa khẩu bị tạm đóng, cũng là lúc người nông dân lao đao vì mất kênh xuất khẩu. Không lâu sau, phong trào giải cứu nông sản lại nổi lên, nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ một số sản phẩm như thanh long, dưa hấu và tôm.

Tôm hùm đại dương, tôm hùm xanh rồi tôm hùm baby được các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong nước cứu trợ, với giá giảm có khi đến gần 50%. Tuy việc giải cứu đã phần nào giúp giảm thiệt hại cho nông dân nhưng nỗi lo về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ dường như vẫn còn nguyên.

Theo phản ánh của VTV, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang hạn chế nuôi thả tôm vụ mới hoặc với số lượng ít hơn, vì lo ngại dịch bệnh khiến việc tiêu thụ khó khăn.

Chưa hết, những tin đồn gần đây cũng gây bất lợi cho người nuôi tôm.

"Các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn", ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận chia sẻ với VOV.

Vị này cho biết, người nông dân nghe ngóng những thông tin qua mạng, đồn thổi rằng cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay… nên họ sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của doanh nghiệp đến người dân rất khó.

Trong khi thực tế, xuất khẩu tôm nước ta đang trên đà hồi phục. Quý I năm 2020, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch hơn 617 triệu USD, không những không giảm mà còn tăng nhẹ 0,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ hai tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).

Các thị trường lớn cũng đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng thủy sản này từ Việt Nam.

Theo ông Thông, nếu như thị trường nông sản đang bị ngưng trệ thì ngành tôm lại nằm ngoài xu thế đó. Dù có hiện tượng đối tác đề nghị chậm giao hàng nhưng ngay trong trong nước, nguyên liệu còn chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.

Trả lời VTV, một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản khác cũng cho hay: "Mỗi ngày, nhà máy cần từ 30 đến 40 tấn tôm nguyên liệu. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, tôm loại 20-30 con/kg rất dễ mua thì nay lại vô cùng khan hiếm."

Ông Đăng Văn Hiến, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Trường Phú, Bạc Liêu nhận định: "Giá tôm trong một tháng đã tăng 7-10%. Tôi dự đoán mức giá sẽ còn tiến triển tốt hơn trong thời gian tới."

Dự báo 2-3 tháng tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tiếp tục tăng cao, khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang được khống chế tốt. Mỹ hay Châu Âu cũng đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên thả nuôi để tận dụng tốt nhưng cơ hội xuất khẩu, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn, vì một vụ tôm thường kéo dài khoảng 90-100 ngày.

Nhịp sống kinh tế