Người dân phá bỏ cây mía
Thời điểm này những năm trước, Nhà máy Đường Phổ Phong đã thu mua mía cho người dân. Tuy nhiên, năm nay dù mía đã “chín” nhưng không có ai đến hỏi mua. Lo ngại sẽ trễ vụ trồng các loại cây khác, trong khi giá thu mua mía “quá bèo”, nên người dân chọn cách chặt bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác.
Trắng tay
Những năm trước, xã Nghĩa Lâm được mệnh danh là “thủ phủ” của cây mía ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi trong đó có nhiều hộ dân khá lên nhờ mía. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, người dân địa phương đã dần quay lưng với cây trồng truyền thống này.
Không thể bám trụ với cây mía, chị Ao Thị Cam, thôn 1, xã Nghĩa Lâm đành ngậm ngùi phá bỏ 6 sào mía đã đến kỳ thu hoạch để tìm hướng đi mới. Chị Cam chia sẻ: “Mọi năm, tháng 11 là có người đến hỏi mua mía, vậy mà năm nay chờ mãi chẳng có ai đến hỏi, nên tôi chặt bỏ hết. Công sức cả năm coi như trắng tay. Hiện tôi đang dọn đất để chuẩn bị xuống giống cây mì”.
Còn với bà Tống Thị Hường, cả một năm tập trung tiền của, công chăm sóc gần 3 sào mía giờ cũng đành chặt bỏ cây, chỉ lấy ngọn về cho bò ăn. “Năm trước, gần 3 sào mía bán cũng được 2 triệu đồng. Dù giá có thấp nhưng cuối năm cũng có khoản tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Còn Tết năm nay, chẳng biết lấy tiền đâu mà sắm sửa”, bà Hường bày tỏ.
Không riêng gì gia đình chị Cam hay bà Hường, mà hàng chục hộ trồng mía trên địa bàn xã Nghĩa Lâm cũng phá bỏ mía. Bởi họ biết dù có để cũng chẳng ai mua, hoặc nếu có người mua thì tiền bán mía cũng không đủ để trả công thu hoạch.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Lê Văn Bảy cho biết: Theo chỉ tiêu cơ cấu cây trồng HĐND huyện giao, diện tích trồng mía trong năm 2018 - 2019 trên địa bàn xã Nghĩa Lâm là 56ha. Tuy nhiên, vì mấy năm nay giá mía liên tục giảm, nên diện tích cây mía đã giảm đáng kể. Hiện xã còn gần 10ha mía chưa thu hoạch, nhưng người dân vẫn chọn phương án phá bỏ để trồng cây hoa màu khác.
Nguy cơ “xóa sổ” cây mía
“Với giá mía như hiện nay thì cây mía sẽ bị xóa sổ rất dễ xảy ra. Bởi hiện nay, đa số các hộ dân trên địa bàn đều chuyển sang trồng đậu, mì. Trước tình hình trên, địa phương đã kiến nghị lên các cấp và ngành nông nghiệp cần có sự định hướng trong chuyển đổi cây trồng cho người nông dân”, ông Lê Văn Bảy cho biết.
Không chỉ xã Nghĩa Lâm, diện tích trồng mía ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang dần bị thu hẹp. Thậm chí có địa phương, người nông dân đã đưa cây mía ra khỏi danh sách cây trồng của xã. Một số diện tích còn lại nằm trong diện trồng một năm để gốc 3 năm, chứ người dân không trồng mới.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch vùng chuyên canh cây mía tập trung đến năm 2025 với 4.400ha. Tuy nhiên, trước tình cảnh khủng hoảng của ngành mía đường chưa có giải pháp khắc phục, khiến sản phẩm làm ra của người nông dân không có nơi tiêu thụ như hiện nay, thì việc đạt diện tích mía theo quy hoạch của tỉnh sẽ hết sức khó khăn.