Người dân Quảng Nam ồ ạt nuôi tôm
Thời gian gần đây, người dân ở các huyện: Núi Thành và Thăng Bình (Quảng Nam) ào ạt chặt cây cối, thuê xe cơ giới ủi đất, phá vườn... làm ao nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Dọc đường Thanh Niên (đoạn từ huyện Thăng Bình vào huyện Núi Thành), người dân đua nhau chặt phá cây cối, thuê xe ủi đất, phá vườn, đào ao, lót bạt để nuôi tôm TCT. Tình trạng phát triển tôm "quá nóng" ở các xã ven biển hai huyện này đã làm cho rừng dương bị tàn phá, dòng sông Trường Giang tại nhiều điểm bị thu hẹp, ô nhiễm. Nhiều người còn ủi cả vườn, thậm chí tháo dỡ bớt nhà ở để lấy đất đào ao nuôi tôm. Dừng chân bên sông Trường Giang (đoạn qua xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) chúng tôi thấy những ao nuôi tôm được xây dựng nối tiếp nhau, trông giống như một "cánh đồng tôm" trên cát. Những hàng dừa nước, rừng cây ngập mặn dọc bờ sông - nơi trú ẩn, sinh sôi của các loài thủy sản ngày nào dần biến mất, thay vào đó là những ao tôm nuôi tự phát lấn ra làm cho lòng sông bị hẹp, nghẹn dòng...
Theo thống kê mới đây, riêng xã Tam Tiến có 225 hộ đào ao nuôi tôm TCT trái phép, với diện tích gần 20 ha. Khi được hỏi vì sao không ngăn chặn từ đầu mà để xảy tình trạng phát triển ào ạt như vậy? Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Giúp cho biết: Những năm trước, trên địa bàn xã vẫn có nhiều hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch, nhưng diện tích không đáng kể. Thế nhưng, từ tháng 6-2013 trở lại đây, do giá tôm trên thị trường lên cao, các hộ dân đua nhau chặt phá cây cối để làm ao nuôi tôm. Chính quyền xã đã nhắc nhở, lập biên bản và tịch thu phương tiện, nhưng vì lợi nhuận từ nuôi tôm cao cho nên người dân bất chấp. Các cơ quan chức năng đi kiểm tra ban ngày thì họ chuyển sang làm ao vào ban đêm... Không riêng gì xã Tam Tiến mà gần đây, việc nuôi tôm TCT còn diễn ra các xã ven biển của huyện Núi Thành như: Tam Hòa, Tam Hải rồi các xã Bình Nam, Bình Hải của huyện Thăng Bình. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Nam, đến nay, diện tích nuôi tôm TCT trái phép ở hai huyện Núi Thành và Thăng Bình đã lên đến 222 ha; trong đó, huyện Núi Thành có 449 hộ nuôi tôm trái phép, với hơn 117 ha, huyện Thăng Bình có 218 hộ nuôi tôm trái phép với diện tích gần 105 ha.
Men theo những cánh đồng tôm, chúng tôi nhận thấy, các ao nuôi tôm TCT ở thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải) phần lớn không có hệ thống xử lý nước thải mà cho nước chảy thẳng ra biển, còn các ao nuôi ở các xã Tam Tiến và Tam Hòa thì xả trực tiếp ra sông Trường Giang gây ô nhiễm môi trường. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Nam Võ Văn Năm cho rằng: Việc người dân chặt phá dương liễu ven biển, lấn sông để nuôi tôm TCT ào ạt như hiện nay có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như: Sóng biển, gió bão, biển sẽ xâm thực sâu vào đất liền, làm ô nhiễm nguồn nước sông Trường Giang và ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ nuôi tôm vùng triều; đồng thời làm cho bệnh trên con tôm nuôi khó kiểm soát, khống chế. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này thời gian qua ở các địa phương chưa kiên quyết, đồng bộ.
Trước tình trạng trên, tháng 11-2013, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành chức năng và các địa phương bàn biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng nuôi tôm trái phép. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện Núi Thành, Thăng Bình tiếp tục tuyên truyền, làm cho các hộ dân thấy được hệ lụy của việc ao tôm không theo quy hoạch, gây ảnh hưởng môi trường; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý các hộ nuôi tôm trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Trước mắt, đối với các hộ đang thả nuôi tôm dở dang thì được tiếp tục nuôi đến hết vụ nhưng phải có biên bản cam kết không tiếp tục nuôi trái phép nữa và tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng như ban đầu. Nếu trường hợp không chịu cam kết hoặc sau khi cam kết nhưng vẫn tiếp tục nuôi thì chính quyền địa phương phải dùng các biện pháp hành chính cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính, cắt hợp đồng tiêu thụ điện và buộc phải dừng ngay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Ðối với những hộ đang chặt phá cây, san ủi công trình để xây dựng ao nuôi nhưng chưa thả nuôi thì các địa phương đình chỉ ngay, lập biên bản tịch thu và kiên quyết xử lý các loại xe ủi, xe múc tham gia hoạt động san ủi làm ao nuôi tôm, tuyệt đối không để phát sinh thêm ao nuôi mới. Những ao nuôi tôm xa khu dân cư, nằm phía tây đường Thanh Niên ven biển và không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, không ảnh hưởng đến rừng trồng thì được phép nuôi tạm thời. Tuy nhiên, chủ hộ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định, phải có phương án về kỹ thuật và xử lý môi trường thì mới được phép tiếp tục nuôi tạm thời và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu khi Nhà nước thu hồi đất và không được đền bù. Về lâu dài, người dân chỉ được phép nuôi tôm ở những nơi được tỉnh phê duyệt quy hoạch và phê duyệt quy hoạch tạm thời. Và để thực hiện tốt điều này, tỉnh đã giao Sở NN và PTNT kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp ở các xã ven biển, trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh quyết định quy hoạch, chỉ đạo trồng và quản lý rừng phòng hộ ven biển; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát lại hiện trạng nuôi tôm TCT lót bạt, đề xuất UBND tỉnh cho phép được quy hoạch vùng nuôi tôm tạm thời đối với những nơi có điều kiện phát triển và quản lý tốt việc xử lý môi trường nuôi một cách bền vững. Ðội trưởng Ðội quy tắc và quản lý công trình công cộng huyện Núi Thành Phan Như Diễn cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ đầu tháng 12, huyện Núi Thành đã thành lập hai tổ kiểm tra, xử lý liên ngành để xử lý tình trạng nuôi tôm TCT trái phép trên địa bàn huyện. Ðến nay, đã có gần 100 hộ bị lập biên bản vi phạm hành chính và đã ra quyết định xử phạt 30 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 30 triệu đồng. Nhờ đó, bước đầu đã làm giảm bớt tình trạng làm ao nuôi tôm trái phép, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Nhiều nơi, người dân đầu tư với số tiền lớn nên chịu ký cam kết dừng khi kết thúc vụ nuôi; còn những hộ vừa làm xong công trình thì tìm mọi cách thả tôm xuống ao và không chấp hành quy định của tỉnh, nhiều trường hợp không chịu ký biên bản. Tại một số nơi, khi tổ kiểm tra đến thu máy nổ, các dụng cụ phục vụ nuôi tôm, cắt điện thì bị người dân phản ứng. Khi tìm hiểu nguyên nhân, nhiều người dân ở các địa phương cho biết, để có diện tích khoảng một sào để thả tôm, người nuôi phải vay mượn tiền bằng nhiều nguồn, với số tiền đầu tư đến cả trăm triệu đồng để chi phí tiền thuê đất, san ủi mặt bằng, mua trang thiết bị... nhưng tỉnh chỉ "gia hạn" một vụ nuôi và sau đó kết thúc thì không thể thu hồi vốn được. Một số người dân đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm rà soát, bổ sung quy hoạch để người dân vừa có đất nuôi tôm, tăng thu nhập cải thiện đời sống vừa bảo đảm môi trường.
Theo chúng tôi, vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Nam có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm. Việc tổ chức nuôi tôm TCT nhằm khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng đất đai, bảo đảm môi trường và tăng thu nhập bền vững cho người dân ven biển là một việc làm cần thiết. Vấn đề đặt ra là, tỉnh nên quy hoạch, bố trí quỹ đất hợp lý cho từng ngành nhằm vừa giải quyết ổn định cuộc sống cho người dân trước mắt và lâu dài; sớm khắc phục tình trạng cấp đất ào ạt cho các dự án du lịch, dịch vụ rồi bỏ hoang hóa... trong khi người dân địa phương lại thiếu đất sản xuất phải đi lấn sông, chặt phá rừng cây chắn gió để nuôi tôm trái phép, phá vỡ cảnh quan môi trường. Trước hết, các cấp chính quyền ở địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển nghề nuôi tôm theo đúng quy hoạch và cam kết không đổ nước thải chưa xử lý ra môi trường; đồng thời kiên quyết xử lý những hộ chỉ thấy lợi ích trước mắt làm phá vỡ cảnh quan, gây hại đến môi trường.