Người nuôi ốc hương Phú Yên trắng tay
Liên tiếp những tháng qua, ốc hương nuôi trong ao, đìa ven đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu, Phú Yên) bị bệnh chết. Dấu hiệu bệnh lý, khi ốc trồi lên ăn mồi thì không chui lại xuống cát được, vòi thò ra ngoài, sưng to và chết.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên lấy mẫu nước khuyến cáo người nuôi quản lý tốt lượng thức ăn, đặc biệt phải thường xuyên cào vớt thức ăn thừa dưới đìa để nước không bị ô nhiễm, tránh thiếu oxy cục bộ tại tầng đáy.
Chết sạch đìa
Ông Trần Văn Minh ở xã Xuân Cảnh cho biết: Tôi thả nuôi 10 vạn con ốc hương trên đìa 3 sào (1.500m2). Ốc phát triển bình thường, khi bước qua tháng thứ 3, vãi thức ăn, ốc trồi lên ăn mồi thì không chui lại xuống cát rồi chết. Chi phí nuôi 3 sào từ khâu thuê đìa, con giống đến thức ăn, công chăm sóc sau 3 tháng đội lên khoảng 300 triệu đồng.
Cạnh đó, ông Bùi Văn Lanh buồn rầu nói: Vừa rồi tôi thả 8 vạn con giống mua với giá 70 triệu đồng, nuôi trong đìa rộng gần 2 sào, ốc nuôi chưa giáp tháng chết sạch đìa. Nếu không rủi ro, ốc hương lớn đều đặn đến tháng thứ 5 thì “size 15” (tức 150 con/kg), thu gần 1,5 tấn ốc thành phẩm, bán với giá 250.000đ/kg, thu trên 370 triệu, trừ chi phí bèo lắm cũng kiếm trên 100 triệu, giờ thì trắng tay. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng méo mặt vì ốc chết.
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi, thức ăn ốc hương và tôm hùm đều tươi sống (cá, ốc, hàu, sò...). Tuy nhiên, nuôi ốc hương chú trọng kỹ thuật, vì rủi ro lớn hơn tôm hùm. Đặc điểm ốc hương khi nhiễm bệnh chết sạch đìa, mình ốc thối rữa, còn tôm hùm chết lai rai vớt vát bán được. Vì vậy để ốc hương không bị nhiễm bệnh, khi nuôi trong đìa phải tạo oxy thường xuyên, lắp nguồn (máy quay) quạt nổi tạo oxy trên bề mặt và các nguồn lủi âm dưới đìa để sục khí.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Từ giữa tháng 2 đến nay, tại vùng nuôi nuôi ốc hương xã Xuân Cảnh có trên 15ha nuôi ốc hương của 33 hộ nuôi bị chết (diện tích nuôi ốc hương toàn xã là 19ha/40 hộ nuôi). Ốc chết có kích cỡ từ 15 ngày tuổi đến 2,5 tháng tuổi. Ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các biện pháp hướng dẫn phòng trị bệnh đến người nuôi ốc hương, đồng thời đưa ra khuyến cáo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Cảnh báo vùng nuôi
Thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, toàn thị xã có 102ha ốc hương nuôi ven đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài. Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở đây mang tính tự phát, bà con chưa tuân theo lịch thời vụ cũng như quy hoạch vùng nuôi nên vấn đề ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra. Vùng nuôi tôm hùm và ốc hương liền kề nhau, nếu không kiểm soát nguồn thức ăn thì môi trường sẽ ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra.
Cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên, kiểm tra mẫu nước. Kết quả quan trắc chất lượng 12 mẫu nước tại các vùng nuôi trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông đã xác định các chỉ tiêu: NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 3,2 - 5 lần so với đợt quan trắc trước đó một tuần.
Tương tự, chỉ tiêu H2S cũng vượt ngưỡng cho phép và tăng gấp 3 lần. Tất cả các vùng nuôi trong vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông đang có hàm lượng DO (oxy hòa tan trong nước) thấp, chỉ đạt từ 3,3 - 5,8mg/l, trong khi giới hạn cho phép từ 6,2 - 7,2mg/l. Tình trạng thiếu oxy có xu hướng vào sáng sớm do hiện nay là mùa nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa dông, nước dễ phân tầng.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo, mùa nắng nóng các chỉ tiêu trên có thể tiếp tục tăng, gây ảnh hưởng rất xấu đến vùng nuôi. Bà con quản lý tốt lượng thức ăn, cần thiết nên giảm 50% lượng thức ăn và không để thức ăn dư thừa rơi xuống tầng đáy gây ô nhiễm. Không nuôi với mật độ dày, phải thường xuyên cào vớt thức ăn thừa dưới đìa tránh ô nhiễm, thiếu oxy cục bộ tại tầng đáy.