TIN THỦY SẢN

Nhiều mô hình nuôi tôm mới mang lại hiệu quả cao

Mô hình nuôi tôm sử dụng nước từ ao nuôi cá chẽm của ông Hứa Thành Hưng (Sóc Trăng). Ảnh: XT Hữu Đức

Phát triển kinh tế hướng về biển là một trong những con đường tìm kiếm cơ hội làm giàu. Từ hơn nửa đầu năm đến nay, các mô hình nuôi thủy sản cải tiến mới đã gia tăng hiệu quả… Vùng nuôi tôm nước lợ ven bờ ở ĐBSCL trúng mùa, đạt lợi nhuận cao khi thời điểm thị trường tiêu thụ có lợi nhất.

Tìm cách làm mới

Trong các mô hình nuôi trồng thủy sản, người nuôi tôm ở khu vực bán đảo Cà Mau không ngừng tìm kiếm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm thiểu rủi ro. Sau những năm dịch bệnh tôm hoành hành, nhiều mô hình nuôi tôm mới được áp dụng, kiểm chứng nhằm xác lập tính ổn định, lâu bền, như: nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm trong ao lót bạt đáy, nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, tôm thẻ kết hợp cá chẽm, nuôi Biofloc, nuôi với chế phẩm sinh học…

Ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp với cá chẽm rất thành công của ông Hứa Thành Hưng, thành viên Hiệp hội nuôi Tôm Mỹ Thanh. Vụ nuôi năm 2016, giữa lúc “tâm bão” đầu năm gặp hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ông Hưng thả nuôi 30 ao tôm nhưng chỉ bị thiệt hại có 1 ao. Vụ nuôi đầu tiên áp dụng theo cách làm mới ông đạt lợi nhuận hơn 11 tỉ đồng. Ông Hưng cho biết: Nhờ tăng số ao lắng, ao chứa và kết hợp nuôi cá chẽm, sau đó lấy nước này xử lý để nuôi tôm, mô hình nuôi cá và tôm thẻ đều thành công.

Nuôi cá chẽm trong ao lắng có người không dám cho ăn vì sợ ô nhiễm nước, nhưng ông Hưng vẫn cho cá ăn. Ông chia sẻ: “Muốn hạn chế nước ô nhiễm, thức ăn thừa và chất thải từ nuôi cá, tôi có sử dụng vi sinh để xử lý. Các chất thải sẽ bị phân hủy tạo thành nguồn tảo và vi sinh vật có lợi, phù hợp cho tôm nuôi phát triển về sau”. Vào vụ nuôi năm nay, ông Hưng tiếp tục áp dụng mô hình nuôi kết hợp cá chẽm và tôm thẻ với hơn 40 ao, tôm nuôi phát triển tốt, lớn. Nhiều ao đã thu hoạch, năng suất mỗi ao đạt 3-4 tấn, tôm đạt cỡ 40-50 con/kg và trúng vào thời điểm thị trường giá cao… Để có vụ tôm thắng lợi, theo cơ quan chuyên ngành thủy sản các địa phương và một số người giàu kinh nghiệm nuôi tôm cho rằng việc quan trắc môi trường và kiểm soát môi trường nước ở vùng nuôi thường xuyên là yếu tố cần thiết nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh.

Trại tôm Tân Nam (Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta) với vùng nuôi 160ha ở Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ trong ao lót bạt đáy, áp dụng kiểm soát định kỳ môi trường ao nuôi,  nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC. Năm 2017, kết thúc vụ 1, Trại tôm Tân Nam trúng mùa đậm, dự kiến cùng với vụ 2 sẽ đạt mức tổng thu hơn 2.000 tấn. Tôm sạch đạt kích cỡ 40-50 con/kg vào thời điểm thị trường tiêu thụ với giá tốt, gần 150.000 đồng/kg.

Kinh nghiệm kỹ thuật mới

Theo cán bộ phụ trách kỹ thuật Trại Tôm Tân Nam, tuy các biện pháp kỹ thuật nuôi còn tiếp tục tham khảo, nhưng với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều vụ nuôi thành công có thể rút ra nhiều điểm, chia sẻ như giải pháp tổng hợp. Đó là quá trình đầu tư trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi. Đến nay, vùng nuôi Tân Nam là một trong số ít các vùng nuôi trong nước có hệ thống sản xuất cung cấp vi sinh riêng, có thiết bị nghiên cứu lấy mẫu nước từ ao nuôi tôm, lấy về và sàng lọc, phân lập chọn lấy vi sinh có lợi. Sau đó cấy  nhân ra trong 24 giờ với hàng ngàn tỉ con/lít. Quá trình sản xuất trong điều kiện vô trùng, không lẫn tạp chất với mật độ cao và 2 ngày cung cấp 5 lít/ao. Với số lượng vi khuẩn tươi có lợi mật số đông, sinh trưởng rộng lớn sẽ lấn át lượng vi sinh khác thu hẹp nhỏ lại. Vi sinh này nhiều dù có lẫn vào thức ăn còn có lợi cho hệ tiêu hóa tôm. Ngoài ra, Trại  Tôm Tân Nam có phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm soát định kỳ mỗi ngày như lấy mẫu, tầm soát virus gây bệnh hoại tử gan tụy tôm. Từ đó, nếu phát hiện sớm để có biện pháp xử lý ngay, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bất ngờ.

Mặt khác, với quan niệm cũ cho rằng, thả tôm nuôi vào giai đoạn nắng và nhiệt độ nóng nhất trong tháng 4 (khoảng tháng 3 Âm lịch), tức thời điểm giao mùa là thường được cơ quan chuyên môn khuyến cáo không nên thả tôm giống nuôi. Bởi thời điểm này, tôm rất dễ bị căng thẳng (stress) dẫn đến suy yếu và dễ bệnh. Do vậy, theo kinh nghiệm của người nuôi tôm, cần chọn mua tôm giống tốt nhất. Thả tôm nuôi vào thời điểm thời tiết nóng, phải đảm bảo đủ quạt oxy giải nhiệt. Tôm nuôi chỉ cần vượt qua một con nước trong giai đoạn đầu không bị tác động môi trường là tôm khỏe. Chọn thời điểm trong tháng 3 thấy ít gió thả tôm giống, đảm bảo quạt cung cấp oxy liên tục, lắp càng nhiều quạt càng tốt để nhiệt độ nước không bị phân tầng.

Nuôi tôm không sợ mặn, trước đây nuôi tôm độ mặn 20‰ nhưng nay độ mặn tới 30‰ vẫn nuôi tôm được. Một số trang trại nuôi tôm có điều kiện vùng nuôi rộng, lấy nước biển vào ao lắng, lọc. Riêng kênh dẫn nước và ao lắng chiếm tới 40% diện tích, còn lại 60% diện tích dành cho ao nuôi. Điều này mở ra hướng mới, đòi hỏi chuyển đổi liên kết các hộ sản xuất cùng vào HTX để áp dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật để tìm mô hình sản xuất ổn định, bền vững.

Bên cạnh các mô hình nuôi tôm áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, hiện nay ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản ven biển như nuôi cua, sò huyết. Đây là mô hình dễ triển khai và mang lại thu nhập cao, được nhiều người dân vùng ven biển áp dụng nuôi trong ao vuông, các cửa sông và ven biển biển.

Tại Cà Mau đang khôi phục mô hình nuôi sò huyết bãi bùn ven biển và sắp tới khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư nhằm tạo công ăn việc làm và giảm áp lực khai thác thủy sản vùng biển ven bờ. Bên cạnh đó, mô hình nuôi hàu lồng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; tại Hòn Chuối - đảo cách xa đất liền khoảng 32km có mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hữu Đức Báo Cần Thơ