Những giải pháp nuôi tôm bền vững
Những năm gần đây, người nuôi tôm đối mặt với nhiều thách thức do nhiều nguyên nhân. Trong đó, do chất lượng con giống không đảm bảo, thuốc thú y thủy sản tăng liên tục, đầu ra sản phẩm bấp bênh... Để tạo bước chuyển biến mới cho nghề nuôi tôm, Bạc Liêu cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn.
Bạc Liêu là tỉnh ven biển, có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đến cuối năm 2013, diện tích NTTS của tỉnh khoảng 127.000ha, trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh gần 16.000ha. Bên cạnh lợi thế, Bạc Liêu cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: nội lực của nông dân còn yếu; hệ thống thủy lợi, điện phục vụ sản xuất chưa hoàn chỉnh; khả năng tiếp nhận thông tin và tiến bộ khoa học của người nuôi tôm còn hạn chế; hệ thống ngân hàng còn dè dặt trong đầu tư do dư nợ quá hạn cao. Mặt khác, việc phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn do mối liên kết “4 nhà” chưa được chặt chẽ. Mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến cho sản lượng tôm nuôi không cao, hiệu quả thấp.
Năm 2014, kế hoạch tỉnh đề là ra tổng diện tích NTTS 128.396ha, sản lượng thủy sản 171.700 tấn. Trong đó, sản lượng tôm 95.700 tấn, sản lượng cá và thủy sản khác 76.000 tấn. Theo ngành chức năng, để đạt kế hoạch trên và để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, trước hết cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về điều kiện sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng. Do tôm thẻ chân trắng là đối tượng dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn so với tôm sú, cho nên người nuôi có xu hướng chuyển dần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh lại việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, dẫn đến nhiều rủi ro và thiệt hại. Tiếp tục triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm. Định hướng cho người nuôi tôm xây dựng các tổ, đội sản xuất, áp dụng mô hình quản lý cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất.
Ngoài ra, nên xây dựng vùng nuôi tôm mẫu như sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện trong thời gian qua để gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vật tư thiết yếu trong quá trình nuôi và nhận bao tiêu sản phẩm, còn nông dân có trách nhiệm chăm sóc con tôm đúng theo quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp yêu cầu. Xây dựng được mô hình này không chỉ giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, mà còn xây dựng được thương hiệu con tôm Bạc Liêu. Đồng thời, tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng trước sự lấn át của thương lái nước ngoài sang tranh mua nguồn tôm nguyên liệu, gây bất ổn thị trường. Sự liên kết này còn giúp nông dân giảm gánh nặng về chi phí đầu tư; ngành chức năng cũng giảm bớt trong việc quản lý, xử lý dịch bệnh từ các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, tránh được nạn làm giá gây bất ổn thị trường từ thương lái bên ngoài.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh: “Thời gian tới, nên quy hoạch vùng nuôi tôm, thành lập tổ, đội sản xuất để giảm chi phí sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, giúp đầu ra sản phẩm dễ dàng hơn. Ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra định kỳ cơ sở sản xuất giống, nơi buôn bán mặt hàng thú y thủy sản để tránh tình trạng hàng kém chất lượng. Các hộ nuôi tôm phải nâng cao chất lượng tôm nuôi…”.
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, ngoài việc tăng cường quản lý của ngành chức năng, thì điều quan trọng hơn hết là ý thức của các hộ nuôi tôm. Người nuôi cần thực hiện đúng lịch thời vụ, chọn mua giống ở các cơ sở uy tín, không nên tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng… Nếu làm được điều đó, tin rằng nghề nuôi tôm của tỉnh sẽ phát triển và tránh được rủi ro, thiệt hại.