Ninh Bình: Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống
Hiện đang là thời điểm bà con các xã ven biển huyện Kim Sơn tập trung thả tôm giống vụ 1 năm 2019. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, địa phương, ngành chức năng đang siết chặt quản lý chất lượng tôm giống, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bán trên địa bàn nhằm giảm rủi ro cho người nuôi tôm...
Ngay từ giữa tháng 2, UBND huyện Kim Sơn đã có quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giống thủy sản lưu thông trên địa bàn. Thành phần bao gồm cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, lực lượng quản lý thị trường, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Trạm chăn nuôi - Thú y, Công an huyện.
Nhiệm vụ của Đoàn là phối hợp với UBND các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông và thị trấn Bình Minh tuần tra lưu động, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán giống thủy sản không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y ra vào và lưu hành trên địa bàn huyện.
Anh Phạm Văn Hải, Trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh, Phó trưởng Đoàn kiểm tra chia sẻ: Thông thường, chúng tôi phải làm việc từ 2 giờ đêm đến 6-7 giờ sáng - lúc việc vận chuyển mua bán giống tôm diễn ra nhộn nhịp nhất. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng lại có nhiều đường ngang, ngõ tắt, lối mở từ Thanh Hóa sang, Nam Định đến… nên Đoàn phải thường xuyên di chuyển và thay đổi địa điểm chốt chặn, kiểm tra để đảm bảo không bỏ lọt đối tượng.
Nhìn chung, những ngày đầu, qua kiểm tra, đa phần các lô giống vận chuyển về địa bàn đều đảm bảo các quy định, có hồ sơ kiểm dịch, hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn có một vài trường hợp vận chuyển tôm giống trôi nổi, kém chất lượng, không qua kiểm dịch. Đoàn đã lập biên bản xử lý và yêu cầu đưa ra khỏi địa bàn.
Tôm giống quyết định rất lớn đến việc thành công hay thất bại của vụ nuôi. Vì thế, bên cạnh việc kiểm soát chất lượng tôm giống nhập vào địa bàn, địa phương và ngành chức năng còn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở ương dưỡng giống thủy sản. Vận động các hộ này đầu tư cơ sở hạ tầng, thuần hóa tôm giống, tạo điều kiện cho tôm thích ứng với môi trường, khí hậu địa phương; đảm bảo tôm khỏe mạnh, đồng đều sạch bệnh trước khi xuất ra thị trường.
Tất cả các chủ cơ sở đều phải ký cam kết kinh doanh tôm giống, nuôi tôm chấp hành các quy định về kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh thú y, quản lý chất lượng tôm giống, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, trước khi đưa giống về ương phải báo cáo với chính quyền xã để cơ quan xuống kiểm tra.
Ông Phạm Văn Hinh- Chủ cơ sở kinh doanh giống thủy sản ở xóm 5, Kim Trung cho biết: Tôm giống ở cơ sở chủ yếu nhập về từ các đơn vị sản xuất giống có uy tín ở Đà Nẵng, Ninh Thuận, Nha Trang. Tất cả đều đã qua kiểm dịch, đạt kích cỡ tiêu chuẩn.
Ngoài ra, hệ thống ao ương của gia đình cũng được đầu tư xây dựng bài bản, nguồn nước đưa vào nuôi phải qua lọc và diệt khuẩn. Quá trình ương nuôi, tôm được chăm sóc chu đáo, do vậy tôm giống do gia đình cung cấp luôn đảm bảo sạch bệnh và mau lớn. Hiện mỗi năm gia đình cung cấp ra thị trường từ 50-60 triệu con tôm giống.
Được biết, vụ tôm 1, năm 2019 này, huyện Kim Sơn có kế hoạch nuôi thả khoảng 2.100ha tôm, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tập trung ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung. Thời điểm này bà con đã xuống giống được gần 30% diện tích. Giữa tháng 4, đầu tháng 5, nông dân tiếp tục xuống giống rộ, do vậy, để vụ nuôi tôm năm nay thắng lợi, hạn chế dịch bệnh xảy ra, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, người nuôi tôm phải cẩn thận trong việc chọn mua con giống, không nên vì giá rẻ mà mua tôm giống kém chất lượng.