Nỗi lo thiếu lao động đi biển
Vì thu nhập bấp bênh nên nhiều lao động đi biển đã bỏ nghề, khiến các chủ tàu lâm vào cảnh khó khăn do không tìm được bạn thuyền, trong khi vụ cá Nam đang bắt đầu.
Tàu chờ lao động
Những ngày này, tại các cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương… có khá nhiều tàu cá nằm im lìm bên cảng. Trên con tàu KH-95979TS, ông Trần Văn Nuôi (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đang kiểm tra các bộ phận của máy tàu để khởi động lại vì đã gần 2 tháng nằm bờ chờ lao động. Ông Nuôi cho biết, trước đây, tàu của ông lúc nào cũng duy trì 10 lao động, nhưng hiện nay, do đi biển thu nhập bấp bênh, không ổn định, lại vất vả nên 5 người đã bỏ việc để đi tìm việc làm khác. “Tôi đã nhiều lần gọi điện, thậm chí trực tiếp đến từng nhà để mời họ tham gia đánh bắt, nhưng tất cả đều từ chối. Hiện tại, tàu tôi còn 5 bạn thuyền, nếu không tìm thêm được người thì chúng tôi cũng cố gắng xuất bến. Bởi hiện nay đang bước vào vụ cá Nam, nếu không xuất bến sẽ bỏ lỡ mất cơ hội đánh bắt đợt này”, ông Nuôi chia sẻ.
Nghề biển phụ thuộc rất lớn đến bạn thuyền, nếu không có bạn thuyền thì không thể ra khơi. Ông Nguyễn Văn Cang - chủ tàu KH-93718TS có công suất 240CV (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) trăn trở: “Bây giờ, tìm được bạn thuyền gắn bó với nghề quả thật không đơn giản. Ngay cả con cái trong gia đình cũng không còn mặn mà với nghề truyền thống, nói gì đến người ngoài”. Ông Cang lo ngại, nếu tàu cứ nằm bờ mãi, ngoài chuyện không có thu nhập thì các thiết bị máy móc, ngư lưới cụ cũng sẽ bị hư hỏng vì lâu ngày không hoạt động.
Theo nhiều lao động, nghề đi biển khá vất vả, sức lực bỏ ra nhiều, lênh đênh trên biển cả tháng trời nhưng thu nhập quá thấp nên họ không còn thiết tha bám trụ với nghề. Ông Huỳnh Văn Phước - ngư dân tại phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) có hơn 15 năm đi biển cho biết, thu thập nghề đi biển phụ thuộc khá lớn vào sản lượng đánh bắt được. Thế nhưng, biển mất mùa, sức bỏ nhiều mà thu nhập thấp nên họ khó bám trụ với nghề. “Là lao động chính trong gia đình, nhưng với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng thì làm sao chúng tôi sống được với nghề. Chính vì vậy, tôi đành tạm gác lại nghề biển để đi phụ hồ, mỗi tháng cũng kiếm được khoảng hơn 7 triệu đồng”, ông Phước chia sẻ.
Cần có giải pháp bền vững
Theo lãnh đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay, nghề biển đang thiếu lao động trầm trọng, nhất là lao động trẻ. Bình quân một tàu cá cần 7 - 10 lao động để phục vụ ra khơi, nhưng việc đi biển ngày càng khó khăn, thu nhập không ổn định nên nhiều lao động không còn mặn mà với nghề. Trong khi đó, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, khiến lao động nghề biển luôn trong tình trạng khan hiếm.
Hiện nay, ở các nước tiên tiến, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đánh bắt nên không cần nhiều lao động vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, trình độ và kỹ thuật khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam còn mang tính thủ công, nên đòi hỏi phải có nhiều lao động. Ngoài ra, hiện nay, phần lớn lao động đi biển hành nghề theo kiểu cha truyền con nối, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau chứ chưa qua trường lớp đào tạo. Cùng với đó, tàu cá của ngư dân trong tỉnh chủ yếu là tàu nhỏ, vỏ gỗ, lắp máy cũ đã qua sử dụng, trang thiết bị khai thác thiếu đồng bộ. Từ đó, dẫn đến sản lượng khai thác đạt thấp, sự cố về tai nạn lao động dễ xảy ra.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, để giải quyết tình trạng khủng hoảng lao động đi biển, trước hết các bộ, ngành Trung ương cần chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nghề đánh bắt thủy sản. Đã đến lúc cần phải chọn lọc phát triển nghề nào có định hướng, nên phân vùng, phân tuyến khai thác hợp lý hơn. Mặt khác, cần quan tâm hỗ trợ ngư dân về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để tăng hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến đánh bắt. Đồng thời có chiến lược bảo vệ, hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển xa. Còn theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Nhà nước, địa phương cần xây dựng chính sách, quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho ngư dân về: hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ, chế độ lao động nặng nhọc, độc hại; mở lớp đào tạo nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp như các nước khác trên thế giới cho ngư dân…
Nếu như bài toán nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và ổn định đời sống của ngư dân chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng khan hiếm lao động nghề biển sẽ còn tiếp diễn, khi ấy kinh tế biển của Khánh Hòa, một thế mạnh của tỉnh rất khó phát triển một cách bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 9.700 tàu cá các loại, với trên 30.000 lao động. Nhưng chỉ có khoảng 30% người lao động biển ở địa phương thực sự bám nghề truyền thống vững chắc. Còn lại, khoảng 70% lao động mang tính thời vụ, không có sự gắn bó lâu dài với nghề.