Nông dân mãi “mò mẫm” trên đồng ruộng của mình
Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa tìm được hướng đi và chỗ dựa vững chắc để giúp nông dân thoát cảnh “được mùa, mất giá”.
Thời gian gần đây, phong trào ủng hộ nông dân tiêu thụ dưa hấu và hành tím được phát động rầm rộ và nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều cơ quan, đoàn thể trên cả nước. Bên cạnh tính nhân văn của những việc làm này thì cũng có nhiều ý kiến hướng đến sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Nhà nước trong việc ổn định và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản.
Đến nay, người nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn chưa tìm được hướng đi và chỗ dựa vững chắc để thoát cảnh bấp bênh “được mùa, mất giá”, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng và tác động trực tiếp tới mọi hoạt động sản xuất, thương mại trong nước.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay và những năm trước đây, năng lực sản xuất có thể nói đã đạt đến mức độ khá cao, tiêu biểu là gạo, cà phê, cao su, thủy sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự sụt giảm tăng trưởng của mặt hàng nông sản, thủy sản và một số mặt hàng khác là điều đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sụt giảm trong thời gian vừa qua là khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu thấp. Để khắc phục tình trạng này, phải giảm giá thành sản phẩm, bởi có giảm giá thành mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, trong quý I, Chính phủ đã rất kịp thời để ban hành Nghị quyết số 19 liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với các giải pháp đã đề ra, nếu như trong năm 2015 có được kết quả ngay thì sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết là cho ngành thủy sản.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để xuất khẩu nông sản thành công, trước hết doanh nghiệp cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản.
Ông cho rằng, hiện nay vai trò của các doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu vào và giải quyết đầu ra chưa tốt, doanh nghiệp thường áp giá với người nông dân cao hơn so với khả năng của họ, hơn nữa chi phí chế biến lại cao, gây thiệt thòi cho người nông dân. Theo ông, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ thị hiếu, khẩu vị, thói quen tiêu dùng của khách hàng, từ đó mới tổ chức sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường ấy. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của người nông dân trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Về phía Nhà nước phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện chủ trương chính sách về tái cơ cấu và công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, muốn cải thiện hoạt động xuất khẩu nông sản, cần bám sát nhu cầu của thị trường ngay từ khâu sản xuất, chứ không phải sản xuất rồi khoán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các hiệp hội chuyên ngành cũng có thể hợp tác với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu để học hỏi kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đầu tư mạnh vào hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào đặc điểm của từng loại nông sản. Ngoài ra, để xuất khẩu nông, thủy sản ổn định và bền vững, rất cần có sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh.
Để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, điều kiện đặt ra là phải truy xuất nguồn gốc, có chỉ số từ gốc. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn định hướng cho người nông dân hay các hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu, đóng bao bì hợp chuẩn, bảo quản tốt… sẽ giúp nông sản Việt dễ dàng thâm nhập vào các thị trường lớn.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cho các doanh nghiệp trong việc liên kết với người nông dân đối với các sản phẩm hàng hóa cụ thể, không thể để doanh nghiệp chạy theo người nông dân bao tiêu sản phẩm.
Sau những thất bại từ bài học xuất khẩu dưa hấu của miền Trung hay hành tím của tỉnh Sóc Trăng, có thể thấy các mặt hàng nông sản nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Giải pháp tiêu thụ nông sản hướng tới sự bền vững và có chiến lược dài hạn như xây dựng quy hoạch sản xuất, tiêu thụ sao cho phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường là việc phải làm ngay. Song cứ để người nông dân “mò mẫm” trên đồng ruộng của mình như thời gian qua thì nông sản Việt khó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản của thế giới./.