TIN THỦY SẢN

Nông dân Tây Ninh khóc cùng đàn cá lóc

Ông Lê Quan Hiến gắng gượng duy trì đàn cá chờ tín hiệu tích cực từ thị trường. Ảnh: N.V

Giá cá lóc giảm đồng loạt khắp khu vực phía Nam khiến nông dân càng nuôi càng lỗ nặng. Tại Tây Ninh, với sự hiệp lực của hợp tác xã, nhiều nông dân vẫn đang gắng gượng duy trì đàn chờ tín hiệu khả quan.

Càng giữ đàn cá, càng lỗ nặng

Nhờ nguồn nước hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), nghề nuôi trồng thủy sản phát triển khá mạnh ở các xã thuộc huyện Dương Minh Châu. Khi mô hình tổ chức liên kết sản xuất cá lóc ở hợp tác xã (HTX) Phước Ninh được phát động, nhiều nông dân đồng tình hưởng ứng. Nhưng hiện nay, nguồn cung dư thừa khắp nơi làm giá giảm liên tục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ nuôi nơi đây.
Giá cá giảm sâu khắp nơi chứ không riêng tại địa phương chúng tôi. Các hộ nuôi nhỏ lẻ từ 5.000 – 10.000 con thì bỏ nghề. Những người nuôi lớn thì cố gắng duy trì đàn, nhưng càng nuôi lâu càng thâm vốn”.

Tại xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), ông Lê Quan Hiến là một trong những nông dân làm ăn hiệu quả khi chuyển từ ba ba sang nuôi cá lóc đồng vì thời vụ ngắn. Trước tết, ông Hiến mở rộng diện tích thả nuôi lên 900m2, thả 150.000 con. Nhưng giá giảm từ tháng 7.2016 đến nay, vụ này ông đã lỗ hơn 400 triệu đồng.

Trước đó, trung bình mỗi hồ thả nuôi, vụ nào ông cũng kiếm được 50 – 70 triệu đồng tiền lời. Đó là thời điểm cá lóc còn bán được giá 40.000 – 42.000 đồng/kg. Hiện giá chỉ cầm chừng ở mức 24.000 – 25.000 đồng/kg.

“Giá cá giảm sâu khắp nơi chứ không riêng tại địa phương. Các hộ nuôi nhỏ lẻ từ 5.000 – 10.000 con thì bỏ nghề. Những người nuôi lớn thì cố gắng duy trì đàn, nhưng càng nuôi lâu càng thâm vốn” - ông Hiến nói.

Ông Hiến kể, cá lóc đồng chỉ nuôi đến 5 tháng tuổi thì xuất bán. Tầm 5 tháng trở lại, 1kg cá chỉ tốn 1,2 – 1,3kg thức ăn. Đến tháng thứ 6-7, phải mất 1,5kg thức ăn để có 1kg cá. Giá thành sản xuất đến 5 tháng phải 25.000 đồng/kg. Nếu bán được 27.000 đồng/kg, nông dân lời được 1.000 đồng, 1.000 đồng còn lại chi phí vào tiền điện, nước. Giá bán hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nhích lên.

Cùng liên kết nuôi cá trong HTX Phước Ninh, ông Nguyễn Văn Ê thả nuôi 2 hầm với 30.000 con cá thịt, hiện vẫn nợ cả trăm triệu tiền HTX hỗ trợ thức ăn. Ông Ê phân tích, đến tháng 6 - 7; cá chậm lớn lại dễ mắc bệnh (gan, xuất huyết) rồi chết; người nuôi thêm lỗ đầu ký vì thời gian kéo dài.

“Cá nhỏ hao hụt 1%, nhưng cá càng lớn, tỷ lệ hao hụt có thể lên 2 – 3%. Một ngày chết chừng chục con là thấy đi hết 1 bao thức ăn rồi. Người nuôi đứt vốn nhà, thâm luôn vào tiền thức ăn vay của HTX” - ông Ê than thở.

Theo nông dân tới cùng

Theo ông Hiến, giá cá giảm mạnh là do nguồn cung quá dư khi trước đó nhiều nông dân thả nuôi ồ ạt. Trước đây, cá nuôi ở địa phương thường bán sang Campuchia. Nay Campuchia cũng thả nuôi, giá chỉ còn 7.000 đồng/kg. Gặp thị trường trong nước bị dội nguồn cung từ các tỉnh miền Tây, thương lái thu mua không xuể. “Cũng may HTX bao tiêu tiền thức ăn và hỗ trợ để nông dân tái đầu tư đợi giá nhích lên. Ở nhiều xã khác, không liên kết được tiêu thụ, nông dân còn điêu đứng hơn” - ông Hiến kể.

Bà Lâm Thị Có -Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Phó Giám đốc HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh cho biết, hiện HTX có 32 hộ nuôi cá với diện tích nuôi 7ha. Nhờ HTX tổ chức đầu ra nên nông dân ở đây vẫn bán được giá cao hơn các địa phương khác.

Trước đó, HTX Phước Ninh đứng ra bao tiêu thức ăn cho nông dân. Khi nào nông dân bán được cá mới trả tiền. Với giá bán hiện nay, hầu như hầm cá nào cũng thua lỗ. HTX tiếp tục cho nông dân gia hạn nợ bằng nguồn vốn ít ỏi huy động từ xã viên. “HTX muốn tổ chức sản xuất để làm giàu cho nông dân, ngờ đâu vụ này thua thảm thì phải có trách nhiệm đi theo nông dân tới cùng” - bà Có nói.

Trao đổi với NTNN, ông Dương Văn Ba - một thương lái thu mua cá ở Bến Tre cho biết, hiện giá thu mua từ các hộ nuôi ở địa phương này chỉ 22.000 – 23.00 đồng/kg. Riêng với HTX Phước Ninh, ông vẫn thu mua với giá 24.000 – 25.000 đồng/kg.
 

Dân Việt