Nuôi Artemia trên ruộng muối ở Vĩnh Châu
Ở miệt biển TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có nghề SX muối truyền thống của người Khmer. Vài năm gần đây diêm dân đã tận dụng ruộng muối để nuôi artemia, hiệu quả khá cao.
Thu hoạch Artemia ở Vĩnh Châu
PHÁ THẾ "ĐỘC CANH"
Artemia là loài giáp xác sống trong điều kiện nước có độ mặn cao (từ 80 - 120 phần ngàn), cũng là đối tượng thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho thủy sản. Tuy nhiên giá thành Artemia khá cao nên thường được dùng làm thức ăn cho tôm sú giống, giai đoạn từ ấu trùng đến post. Hiện bà con diêm dân đã phát triển diện tích nuôi Artemia lên đến 150 ha, trải dài theo tuyến biển qua 3 xã: Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Phước (TX Vĩnh Châu).
Đây là mô hình thích hợp cho diêm dân, vì hầu như không phải cải tạo lại ruộng muối để nuôi, mở ra hướng xen canh muối - Artemia. Nói về hiệu quả mô hình nuôi artemia trên ruộng muối, anh Võ Thành Ước, Chủ nhiệm HTX dịch vụ tôm - muối - Artemia Vĩnh Phước cho biết: “Mô hình này rất phù hợp với diêm dân đồng muối bởi không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định, vốn đầu tư không nhiều… Không những tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn giải quyết việc làm cho diêm dân, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, cmô hình muối - artemia - cua biển cho thu nhập trên 70 - 100 triệu đồng/ha, đang được nhân rộng”.
AN TÂM NUÔI ARTEMIA
Artemia có kích thước nhỏ, có khả năng sinh sống trong những môi trường nước rất mặn như trong ruộng muối. Ấu trùng Artemia là thức ăn quan trọng phục vụ SX tôm giống vì chúng di chuyển chậm, kích cỡ nhỏ phù hợp với ấu trùng tôm và chứa nhiều đạm, axit béo không no, dễ tiêu hóa. Ngoài ra, Artemia sống còn là nguồn thức ăn tuyệt vời cho các loại cá cảnh nhờ giá trị dinh dưỡng cao.
Để nuôi Artemia cho lợi nhuận cao, vì ngoài yếu tố thời tiết, vốn đầu tư nông dân còn phải lưu ý đến kỹ thuật. Theo ông Trần Văn Trí, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến ngư Vĩnh Châu, Artemia có đặc tính khá trái ngược là ăn bẩn nhưng ở sạch mới sinh sản được nhiều trứng. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại tảo. Song song với việc trữ nước, thay nước, nên bổ sung chất giúp tảo phát triển trở lại, cho Artemia có đầy đủ dinh dưỡng để hấp thu và phát triển. Nên có một hệ thống ao lắng riêng để nuôi tảo và kiểm tra chất lượng nguồn phân cũng như đảm bảo môi trường ao nuôi Artemia nhằm tránh thiệt hại”.
Ông Đinh Hoàng Vũ, Chủ nhiệm HTX Artemia Vĩnh Châu cho biết: “Trung bình 1 ha nuôi nếu quản lý tốt sau 8 tháng nuôi sẽ cho khoảng 100 kg trứng tươi. Với giá trứng hiện nay là 1 triệu đồng/kg trứng tươi (bán tại chỗ) thì sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi 50 triệu đồng/ha, chưa kể thu nhập từ muối và nuôi các loài thuỷ sản khác”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm ứng dựng và chuyển giao công nghệ thủy sản (Khoa Thủy sản - ĐH Cần Thơ), trên thế giới rất ít nước nuôi được Artemia và độ đạm của trứng Artemia không cao bằng Việt Nam. Trứng Artemia Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Bạc Liêu được khách hàng quốc tế đánh giá có chất lượng cao nhất thế giới, nên giá bán khá cao (trên 250 USD/kg trứng sấy khô), cao hơn 150 USD/kg so với trứng của các nước khác.
ĐH Cần Thơ đang phối hợp với TX Vĩnh Châu xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật quy trình nuôi Artemia thâm canh trên ruộng muối. Mục tiêu của dự án giúp diêm dân tăng năng suất, tăng thu nhập... Nghề nuôi Artemia đang đứng trước cơ hội phát triển mới”.