TIN THỦY SẢN

Nuôi ếch hết nghèo ở Bình Ninh

Nông dân bên các vèo nuôi ếch thịt. Phan Thị Anh Thư

Bình Ninh là xã thuần nông của huyện Tam Bình. Đại đa số người dân sinh sống bằng nông nghiệp. Từ nhiều năm qua, địa phương đã triển khai rất nhiều mô hình mới trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bộ mặt kinh tế.

Ông Tô Văn Huynh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ninh chia sẻ những thuận lợi lẫn khó khăn hiện nay: “Nhiều mô hình chăn nuôi cá hô, cá chình, chạch lấu, nuôi lươn, trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt... có kết quả khả quan nhưng đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá cả bấp bênh. Hiện nay chúng tôi tập trung phát triển mô hình nuôi ếch thương phẩm và ếch giống chất lượng cao đang cho những tín hiệu lạc quan”.

Ông Huynh nói thêm: Toàn xã Bình Ninh hiện có hàng chục hộ dân thực hiện mô hình trọng điểm này trên hàng chục hecta mặt nước. Xã này cũng đã hình thành CLB nuôi ếch với trên 20 thành viên.

Chúng tôi đến tham quan cơ ngơi lão nông Nguyễn Thái (Sáu Thái, 54 tuổi)- người được xem là hạt nhân đầu tiên khởi động mô hình này. Ông còn là Chủ nhiệm HTX nuôi, trồng xã Bình Ninh, trong đó chủ yếu là nuôi dê, nuôi ếch và nuôi cá.

Ông Thái cho biết: “Nếu nuôi ếch đúng bài bản thì nguồn lợi mang về rất lớn, có khi lên hơn gấp đôi so với số vốn đầu tư. Tuy vậy, phải cần nhiều yếu tố quan trọng như: con giống tốt, cho ăn đúng phương pháp, các “vèo” nuôi phải đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm. Cạnh đó phải có đầu ra tương đối ổn định không bị dội chợ”.

Từ tháng 10/2018, ông Nguyễn Thái đã đầu tư hình thành 24 cái vèo (còn gọi là ao lưới) với kích thước mỗi vèo là 20m2. Sau đó, ông bắt đầu thả nuôi trứng ếch có xuất xứ rõ ràng. Sau khoảng 45 ngày nuôi, chúng chuyển hóa từ dạng nòng nọc sang ếch con là ông xuất bán. Thức ăn chủ yếu cho chúng là cám công nghiệp.

Trứng ếch lúc ông mua ban đầu để làm giống có giá từ 300.000- 350.000 đ/kg (có từ 5.000- 7.000 trứng/kg), tỷ lệ nở thành công đạt 80- 90% tùy thuộc thời tiết. Hiện nay ông Thái đang sở hữu 200 cặp ếch bố mẹ để tạo ra nguồn ếch con nên không còn mua trứng ếch như lúc mới khởi nghiệp.

Ông Thái cho biết, ếch đẻ nhiều vào tháng 1 đến tháng 7 mỗi năm, thời gian còn lại số lượng sinh sản chỉ đạt 60- 70%. Hiện nay thương lái từ Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau... đến mua với giá từ 800- 1.100 đ/con.

Với giá bán này, mỗi năm ông xuất bán từ 240.000- 260.000 con ếch giống, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, ông còn lời từ 230- 250 triệu đồng tùy thuộc thị trường. Đó là chưa kể đến lời gần 50 triệu đồng mỗi năm từ nguồn ếch thịt thương phẩm luôn ổn định giá từ 32.000- 35.000 đ/kg.

Theo nhiều người dân nuôi ếch, thuận lợi lớn nhất của mô hình này là không đòi hỏi vốn đầu tư lớn; không yêu cầu có nhiều diện tích nuôi; dễ thực hiện; ít rủi ro; giá thành ổn định; sản phẩm dễ tiêu thụ; không ô nhiễm môi trường như các loại thủy sản khác.

Tuy nguồn lời khá lớn nhưng người nuôi cũng cảnh báo: nuôi ếch giống lẫn ếch thương phẩm cần chú ý phòng tránh một số bệnh thường gặp như: chướng hơi, mù mắt, niểng cổ rất dễ xảy ra khi nguồn nước nhiễm bẩn.

Ông Nguyễn Minh Điền (ấp Bình Điền) kể thêm: “Nuôi ếch trong vèo có thêm thuận lợi là bên trên nuôi ếch, bên dưới ao mương mình có thể nuôi các loại thủy sản khác. Mô hình này được gọi là “2 trong 1” trên cùng 1 đơn vị diện tích chăn nuôi. Nguồn phân ếch mỗi ngày sẽ được tận dụng cho thủy sản bên dưới nên giảm được rất nhiều chi phí thức ăn. Hiện tại nhiều nông dân ở Tam Bình nuôi bên dưới cá rô đồng, sặt rằn, cá hô mang lại hiệu quả rất cao”.

Gần đây, một số nông dân nuôi ếch ở xã Bình Ninh đã lai ghép thành công ếch đồng và ếch Thái Lan mở ra một cơ hội rất thuận lợi cho mô hình cung cấp ếch sạch, khỏe cho các thương lái và người nuôi.

Hiện tại, nhiều nông dân nuôi ếch tại xã Bình Ninh đang phối hợp thử nghiệm phương pháp nuôi ếch, cá rô, cá sặt rằn theo hướng sạch, an toàn tuyệt đối để có thể tiến sâu vào các thị trường khó tính trên thương trường thế giới và đang có những tín hiệu rất lạc quan.

Xem ra mô hình nuôi ếch ở xã Bình Ninh đã và đang mở ra một hướng đi mới khả quan cho nhiều nông dân tại đây.

Phan Thị Anh Thư Báo Vĩnh Long